BAO GIỜ HẾT CẢNH "VỪA ĂN, VỪA LO"?

BAO GIỜ HẾT CẢNH "VỪA ĂN, VỪA LO"?
Bây giờ, mỗi ngày, một câu hỏi thường trực đặt ra với các bà nội trợ là hôm nay mua thực phẩm gì, ăn gì để tránh hóa chất, tránh ngộ độc? Điều lo lắng ấy là hoàn toàn có cơ sở vì tình hình ngộ độc thực phẩm diễn biến ngày càng phức tạp. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2012, cả nước xảy ra 49 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.711 người mắc, trong đó 1.330 người phải nhập viện và đã có 13 người tử vong…
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã tổ chức diễn đàn bàn về chủ đề "Phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn ở Việt Nam". Theo mô hình này, thực phẩm an toàn sẽ được tạo ra từ trang trại đến mâm cơm, bàn ăn của mỗi gia đình. Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi và đúng như cách đặt vấn đề của diễn đàn thì sẽ hết cảnh "vừa ăn, vừa lo".

Mỗi ngày, một câu hỏi thường trực đặt ra với các bà nội trợ là hôm nay mua thực phẩm gì, ăn gì để tránh hóa chất, tránh ngộ độc. Ảnh minh họa/internet.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của mô hình, nhất là khi nó được nhân rộng, vì hiện nay phổ biến tình trạng các văn bản luật trong lĩnh vực quản lý VSATTP không được thực hiện nghiêm túc, thậm chí nhiều văn bản "có cũng như không". Hiện chúng ta đã có 2 luật và 17 văn bản hướng dẫn thi hành luật rất cụ thể, chi tiết đang được áp dụng, nhằm bảo đảm cho thực phẩm an toàn, ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, thế nhưng số vụ, số người ngộ độc thực phẩm vẫn cứ gia tăng. Việc quản lý mâm cơm của mỗi gia đình, đang có sự tham gia trực tiếp và gián tiếp của 4 bộ: Khi thực phẩm còn trong giai đoạn sản xuất, hay nhập khẩu thì Bộ NN&PTNT đôn đốc kiểm tra, quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tham gia trong quá trình này; thực phẩm lưu thông trên thị trường thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về chất lượng, hàng thật, hàng giả; Bộ Y tế giữ vai trò chủ trì chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng. Thế nên khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, thì rất khó quy trách nhiệm cho bộ, ngành nào. Do không có một cơ quan chủ trì cụ thể nên đang xuất hiện tình trạng "cha chung không ai khóc" trong quản lý lĩnh vực VSATTP.

Mặt khác, trong mô hình "chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn”, người tiêu dùng giữ vị trí là khâu cuối cùng - tiêu thụ thực phẩm, nhưng một bộ phận trong số họ cũng chính là người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Do đó cần tác động làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng nói chung và một bộ phận người tiêu dùng tham gia quá trình sản xuất-kinh doanh thực phẩm nói riêng. Đồng thời, cần có cơ chế thuận tiện và khả thi để người tiêu dùng phản ánh, khiếu kiện, quy trách nhiệm đến tận người sản xuất, kinh doanh về những vấn đề liên quan đến chất lượng, VSATTP.

Rõ ràng, vấn đề VSATTP không còn là chuyện riêng của từng gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, mà là vấn đề của cả quốc gia, của toàn cầu, cả trước mắt cũng như lâu dài. Việc phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn ở Việt Nam là rất ý nghĩa và cần thiết. Nhưng để mô hình này trở thành hiện thực cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và đông đảo người dân.
Theo QĐND