“Ba nhà” cùng bàn cách cứu tôm
- Thứ ba - 23/10/2012 21:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thiệt hại nặng Ý kiến của các chuyên gia và người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm tại buổi Tọa đàm “trao đổi kiến thức khoa học kỹ thuật về thực trạng tôm chết sớm, sự phối hợp giữa Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp” do công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa được tổ tại Đồng Nai nhằm tìm biện pháp phòng chống dịch bệnh Hội chứng hoại tử gan, tụy tôm đang gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho người nuôi tôm. Tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo, Viện Trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II nhận định, mặc dù chưa được thống kê cụ thể, nhưng thực trạng Hội chứng hoại tử gan, tụy tôm đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi tôm cả nước. Xuất hiện đầu tiên từ Trung Quốc, năm 2010, bệnh Hội chứng hoại tử gan, tụy tôm được phát hiện tại Việt Nam, sau đó tiếp tục xuất hiện tại Malaysia rồi đến Thái Lan. Chỉ tính riêng tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có 900 ha thả tôm nuôi, từ đầu năm đến nay đã có 426,5 ha tôm nuôi bị bệnh, chiếm tỷ lệ 47,38% diện tích thả nuôi. Ngoài một số diện tích tôm chết do bị bệnh đốm trắng (3ha), bệnh đục cơ (1,45 ha), bệnh hoại tử cơ quan tọa máu và biểu mô (4,2 ha), phần lớn diện tích (417,85 ha) có tôm bệnh chết chủ yếu là do hội chứng tôm chết cấp tính khoảng 10-40 ngày tuổi nhưng chưa xác định tác nhân gây bệnh. Bệnh xảy ra ở cả tôm chân trắng và tôm sú. Dấu hiệu bệnh giai đoạn đầu triệu chứng chưa rõ, giai đoạn tiếp theo tôm mềm vỏ, biến màu, chậm lớn. Giải phẩu cho thấy tôm có đường ruột rỗng, gan nhũn vỡ hoặc sưng to. Trước thực trạng này, tháng 6-2012, Bộ NN-PTNT thành lập Ban chỉ đạo chống dịch bệnh trên tôm, tuy nhiên, qua các nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cũng như trong nước vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh. Và vẫn chưa xác định được bệnh này có lay lan hay không. Cũng theo tiến sỹ Hảo, Hội chứng hoại tử gan, tụy của tôm chủ yếu xuất hiện ở việc nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh với tỷ lệ tôm bệnh bị chết lên tới 60-70%. Kinh nghiệm từ nông dân Tại buổi tọa đàm, ông Tăng Văn Xúa, nông dân ở tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, gia đình ông có 13 ao nuôi, trước đây tình trạng tôm chết hàng loạt khiến ông lỗ nặng. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và được tư vấn từ các chuyên gia, ông quyết định chọn mua con giống chất lượng cao và mua của những đơn vị cung cấp giống có uy tín, chất lượng cùng với phương pháp nuôi hiện đại mà ông đã học được từ chuyến đi tham quan vùng nuôi tôm ở Thái Lan do công ty CP Việt Nam tài trợ, từ đó áp dụng cho chính ao nuôi của mình thông qua hỗ trợ kỹ thuật từ công ty CP Việt Nam đã hạn chế được thiệt hại về tôm chết, ông Xúa cho biết, vụ tôm này ông thu hoạch và bán được 900 triệu đồng, trừ chi phí ông còn lãi hơn 400 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Dương, một đại gia nuôi tôm ở Tuy Phong, Bình Thuận cho rằng, hiện tượng hội chứng hoại tử gan, tụy tôm đã làm cho ông có lúc gần như mất trắng, từ những mất mát về kinh tế cùng với việc tâm huyết với nghề nuôi tôm, ông đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu tìm giải pháp để khắc phục tình trạng bệnh chết sớm trên con tôm. Tính từ khi tôm bị bệnh (năm 2010) cho đến nay, ông đã đầu tư hơn 14 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu và cải tạo ao nuôi, sử dụng con giống chất lượng tốt... Đến nay, ông có trên 70 ha diện tích ao nuôi tôm, hàng năm doanh thu đạt gần 90 tỷ đồng. Theo các chuyên gia thì: Tôm chết với biểu hiện teo gan tụy được ghi nhận ở nhiều cỡ tôm khác nhau, tôm chết trên diện rộng với biểu hiện bất thường chủ yếu trên gan tụy. Tập trung nhiều ở các tỉnh ven biển Đông của ĐBSCL (chủ yếu Sóc trăng và Bạc Liêu) Năm 2012: Tôm chết tiếp tục diễn ra ở các tỉnh phía Đông và ghi nhận thêm vùng Kiên giang (biển Tây) các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Điều cần ghi nhận là các biểu hiện bệnh lý trên cơ quan gan tụy là khá đồng nhất. Tần suất xuất hiện hoại tử cao nhất từ 20-45 ngày. Các ao có hoại tử đều phải thu hoạch sớm. Thời gian thu hoạch sớm nhất là 19 ngày, thời gian thu hoạch trung bình từ 2-2,5 tháng. Hầu hết các ao không kéo dài quá 3 tháng nuôi. Đối với quần đàn khi chưa có dấu hiệu bất thường thì tỷ lệ hoại tử không cao. Tuy nhiên thời gian ủ bệnh không dài (khoảng 10 ngày sau khi phát hiện hoại tử phải thu hoạch). Trường hợp tôm đang chết thì tỷ lệ hoại tử cao trong quần đàn tuy nhiên cũng ở mức biến động cao. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm của hội chứng gan tụy mặc dù khi chỉ ở tỷ lệ hoại tử thấp. Bản chất của hội chứng hoại tử gan tụy có liên quan rất chặt chẽ với hai yếu tố chính là tác động của độc tố (có nhiều loại độc tố khác nhau) làm mất chức năng của cơ quan gan tụy (có thể gây chết cấp tính) và sau đó là việc xâm nhiễm của tác nhân vi khuẩn (nhóm vibrio) trong trường hợp độc tố chưa có khả năng gây chết cấp tính gây ra hiện tượng tôm chết và lan trên diện rộng Để hạn chế bệnh này, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II khuyến cáo người tôm phải chuẩn bị tốt môi trường ao nuôi bằng cách: xử lý bùn đáy; triệt trùng nguồn nước đầu vào; kiểm soát được sự nở hoa của tảo ở trong ao nuôi; thả giống tốt; kiểm soát được lượng thức ăn trong ao; bổ sung lượng carbon vô cơ nhằm cung cấp năng lượng cho những vi sinh vật hiếu khí để thực hiện quá trình nitrat hóa… Những biện pháp này đã được khảo nghiệm thực tế và bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan. Ông Nguyễn Lê Huy Vũ, Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, hiện nay công ty CP Việt Nam đã đưa ra quy trình nuôi trồng thủy sản kinh doanh theo CPF Turbo Program. Theo đó, quy trình được áp dụng từ khâu tôm giông đến thức ăn rồi hệ thống an toàn sinh học và quản lý ao nuôi… với đội ngũ cán bộ kỹ thuật xuống tận ao nuôi hướng dẫn bà con nông dân góp phần khắc phục tình trạng tôm chết sớm như hiện nay. Có thể nói sự phối hợp giữa Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp để tìm cách khống chế Hội chứng hoại tử gan, tụy của tôm như công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đã từng làm trong thời gian qua, bước đầu đã đem lại kết quả cho bà con nông dân nuôi trồng thủy sản trong đó có tôm. Quang Minh Nguồn:kinhtenongthon.com.vn |