Bắc Ninh xây dựng vùng chuyên canh cà rốt xuất khẩu 12ha
- Thứ hai - 09/12/2019 17:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ việc triển khai mô hình thí điểm trồng cà rốt bằng chế phẩm vi sinh, chương trình đã lên kế hoạch để tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân trong huyện Gia Bình và tỉnh Bắc Ninh để nhân rộng mô hình.
Ông Nguyễn Bá Tuyến – cán bộ kỹ thuật của chương trình cho biết, cây cà rốt là cây trồng có thời gian sinh trưởng khá ngắn, ưa các loại đất có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp vì vậy có thể chọn đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha, đất bãi phù sa ven sông để trồng là tốt nhất.
Trước khi gieo hạt từ 2-3 ngày, bà con cần xử lý đất bằng cách rải thuốc trừ sâu Diazan 10H hoặc Regent... và phun thuốc trừ bệnh Validacin, Anvil hoặc Tilt super... để diệt trừ côn trùng cắn phá rễ, thân (sùng trắng, sâu xám, sâu khoang) và các loại nấm gây thối rễ, củ.
Nông dân xã Cao Đức thu hoạch cà rốt. Ảnh: C.T.T
Để thực hiện mô hình điểm trồng cà rốt bằng chế phẩm vi sinh sinh, chương trình đã thực hiện tập huấn kỹ thuật cho nông dân ở Gia Bình. Sau 4 tháng triển khai thí điểm mô hình, tới nay dự án đã dần đi vào giai đoạn kết thúc. Kết quả của dự án đã xây dựng được một vùng chuyên canh cây cà rốt bằng chế phẩm vi sinh theo hướng an toàn sinh học rộng 12ha.
Để triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng cà rốt theo hướng an toàn sinh học tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh”, các đơn vị đã bố trí hơn 1,6 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 392 triệu đồng, kinh phí đối ứng của các hộ tham gia là hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội ND tỉnh yêu cầu các đơn vị trúng thầu phải cung cấp đủ giống, vật tư, thiết bị... |
Hội ND tỉnh Bắc Ninh phối hợp Văn phòng Phát triển bền vững (Trung ương Hội NDVN) đã tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác cà rốt cho 100 cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn triển khai mô hình và lân cận; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm mô hình tại Hải Dương, tổ chức hội thảo tổng kết mô hình nhằm rà soát lại kết quả đã đạt được, đồng thời tìm ra những khó khăn, thuận lợi của dự án, nhất là trong công tác nhân rộng mô hình sau này.
Mặc dù đạt được hiệu quả hơn mong đợi nhưng thực tế quá trình triển khai mô hình cũng gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể tới là diễn biến thời tiết đang ngày càng phức tạp khiến các hộ dân lo lắng, bên cạnh đó sản phẩm luôn phải cạnh tranh khốc liệt với cà rốt Trung Quốc trong việc xuất khẩu. Vì vậy mà người dân luôn phải cân nhắc trong việc trồng và thu hoạch...
Ông Nguyễn Đăng Khang - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao hiệu quả mô hình trồng cà rốt ứng dụng chế phẩm sinh học. Ông Khang cho rằng mô hình không chỉ giúp thay đổi tư duy làm nông nghiệp, tăng giá trị chuỗi sản phẩm mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường.
“Mô hình còn giúp người dân giảm nghèo bền vững, nâng cao vai trò vị thế của các cấp Hội ND, đặc biệt là góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triểnthế mạnh của địa phương” - ông Khang nói.
http://danviet.vn/nha-nong/bac-ninh-xay-dung-vung-chuyen-canh-ca-rot-xuat-khau-12ha-1037186.html
Theo Nguyệt Tạ/danviet.vn