Bài học từ củ khoai lang tím

Bài học từ củ khoai lang tím
Bất chấp những cảnh báo, nông dân trồng khoai ở Vĩnh Long vẫn đang hồ hởi đầu tư, mở rộng diện tích khi mấy ngày qua, giá khoai lang bắt đầu tăng trở lại.

 

Bài học từ củ khoai lang tím

Nông dân trồng khoai Vĩnh Long bao phen lao đao khi không thể tự định đoạt sản phẩm do mình làm ra.

 

Những hệ lụy sau bao lần "vỡ mộng" làm giàu từ loại nông sản này dường như vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh người dân, trong khi giá trị đích thực của củ khoai chỉ mong manh như là "ảo giác"…

Lại ôm mộng làm giàu với khoai lang tím

Chúng tôi trở lại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long giữa lúc giá khoai lang tím Nhật Bản đang tăng trở lại và dao động ở mức 300.000-400.000đ/tạ (60kg). Trên những cánh đồng, người dân vui như trẩy hội bởi cách đây hơn tháng, khoai lang tím Nhật Bản liên tục rớt giá khiến nhiều nông hộ điêu đứng. Chị Bảy (xã Thành Đông) mừng như bắt được vàng: "Hơn tháng trước, giá khoai liên tục giảm, tui thua lỗ gần 40 triệu đồng. Mấy bữa nay nghe nói giá khoai đang nhích lên, tui liền thu hoạch diện tích khoai còn lại và đang chuẩn bị đầu tư cho mùa vụ mới. Ngoài đất nhà, tui sẽ sang Cần Thơ thuê đất, quyết đầu tư lớn để gỡ vốn".  

Không riêng chị Bảy, mà nhiều nông hộ khác cũng đang hồ hởi mở rộng diện tích trồng khoai, mặc dù các cơ quan chức năng ở địa phương khuyến cáo hạn chế trồng khoai vì chưa có đầu ra ổn định. Đặc biệt, hiện nay, khoai lang chỉ có một thị trường tiêu thụ là Trung Quốc (TQ) và họ đang toàn quyền quyết định tất cả. 

Giải thích về việc nông dân không thể tự định đoạt sản phẩm do mình làm ra, ông Võ Văn Theo - Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Tân - cho biết: Trước đây, người TQ ồ ạt sang huyện Bình Minh thuê đất trồng khoai, thế nhưng, sản lượng khoai ở hai huyện Bình Minh và Bình Tân rất dồi dào, chứ không thiếu đến nỗi các thương nhân TQ phải đi thuê đất để tự sản xuất. 

Mục đích thuê đất của họ là thông qua dân mình để tìm hiểu và nắm bắt các thông tin về khoai lang từ quy trình sản xuất đến giá thành… Đến khi nắm rõ các quy luật, quy mô sản xuất, thời vụ, sản lượng, tâm lý nông dân… cộng thêm ở Việt Nam chưa có DN nào đứng ra thu mua khoai cho nông dân, họ được thế "một mình một chợ" và toàn quyền quyết định giá cả. Cái "chết" của chúng ta là đã để người TQ thâm nhập quá sâu và đến giờ không thể kiểm soát được. 

Giá trị thực nằm ở đâu!?

Khoai lang không phải là loại lương thực chính, từ trước đến nay chỉ được xem là một loại nông sản dành cho con nhà nghèo ăn với giá trị thấp. Thế nhưng, có thời điểm, giá khoai lang tím Nhật Bản đạt mức cao ngất ngưởng với giá mỗi kilogram khoai gấp 3 lần lúa và ngay lập tức, hàng ngàn nông hộ ồ ạt bỏ lúa trồng khoai, bất chấp đó là một hiện tượng bất bình thường. 

Một vị lãnh đạo huyện Bình Tân gọi đó là "chiêu bài" kinh tế và giải thích: Một DN không thể đến địa phương và yêu cầu nông dân mở rộng diện tích sản xuất. Thế nhưng, họ chỉ cần tăng giá thu mua nông sản là lập tức dân mình hồ hởi chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bỏ lúa trồng khoai, trong khi đó chỉ là giá trị ảo. 

Ông Võ Văn Theo phân tích: Khi đầu tư trồng khoai, nông dân luôn lấy mức giá cao, từ 800.000-1.000.000đ/tạ để làm mục tiêu phấn đấu, chứ không nghĩ đến việc đề phòng những trường hợp xấu nhất. Đến khi giá khoai tụt giảm thấp hơn nguồn kinh phí đã bỏ ra, nhiều nông hộ bị thua lỗ nặng, lúc này họ mới tá hỏa. 

"Ngoài những khuyến cáo dành cho người dân, vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng các nhà máy chế biến và thương hiệu cho khoai lang Bình Tân. Vì hiện nay, nhiều loại khoai chất lượng không tốt đang được các thương lái trà trộn chung với khoai Bình Tân, sau đó đổ thừa khoai không tốt rồi ép giá. Huyện đã xây dựng thương hiệu cho khoai lang Bình Tân và đang kiến nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Khi có thương hiệu, khoai lang Bình Tân không chỉ khẳng định được chất lượng mà địa phương cũng có thể kiểm soát được đầu vào và đầu ra, tránh những trường hợp thiệt thòi cho nông dân. Đặc biệt, khi có nhà máy chế biến sẽ giúp cho chuỗi giá trị của khoai lang tăng lên. Đó là những cơ sở để đưa loại nông sản này phát triển bền vững", ông Theo cho biết thêm.

Ông Phan Nhựt Ái - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long - cho biết: Tỉnh đang kêu gọi các DN đầu tư vào ngành chế biến khoai lang để tạo đầu ra ổn định cho nông dân, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường TQ, vì hiện nay, họ là đối tượng thu mua duy nhất, nhưng chúng ta biết quá ít về họ.
 

Trần Lưu

 Theo Lao Động