Bài học từ sản xuất và thị trường cá tra: Cần xây dựng tư duy mới

Bài học từ sản xuất và thị trường cá tra: Cần xây dựng tư duy mới
Cạnh tranh không lành mạnh, bị kiện chống bán phá giá ở một số thị trường khiến cá tra thường xuyên rơi vào khủng hoảng. Nguyên nhân chính là do cá tra Việt Nam chưa có thương hiệu.

Do đó, để cá tra phát triển ổn định, các nhà cần thay đổi tư duy từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

tr7.jpg
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP XNK Thủy sản Cần Thơ. Ảnh: Danh Lam.

Xây dựng tư duy mới trong liên kết

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ASEAN là thị trường đầy tiềm năng cho sản phẩm cá tra. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra sang các nước ASEAN đạt hơn 87 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Song Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra đang hết sức khó. Nguyên nhân là do hiệu quả kinh tế của ngành hàng trong 2 năm 2017-2018 khá cao, người dân ồ ạt đào ao thả cá, các doanh nghiệp (DN) cũng đã chủ động xây dựng vùng nuôi. Trong khi đó, một số nước như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Myanmar và cả Trung Quốc đã bắt đầu nuôi cá tra. Dự kiến trong năm 2019, tổng sản lượng cá tra nguyên liệu của những nước này đạt khoảng 1,3-1,4 triệu tấn, tương đương với Việt Nam.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết, tiêu thụ cá tra tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc đang giảm sâu do thuế chống phá giá hoặc các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu chính ngạch dẫn đến tình trạng ứ đọng nguồn cung. Trong khi các DN xuất khẩu hầu hết đều có vùng nuôi riêng hoặc liên kết với HTX thì DN nhỏ hoặc hộ dân nuôi bên ngoài đang có cá tra đến đợt thu hoạch gặp nhiều khó khăn do giá cá giảm chỉ còn 19.000-20.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân đang bán với giá chỉ 18.000-18.500 đồng/kg nhưng DN vẫn chưa chịu mua.

“Đặc thù của cá tra là càng quá lứa (vượt kích cỡ) càng khó bán hoặc bán với giá rất thấp, người nuôi khi đó càng lỗ nặng. Do đó, Hiệp hội Cá tra  kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các thị trường truyền thống là Mỹ, Trung Quốc, đồng thời tìm cách tháo gỡ khó khăn để dòng hàng xuất khẩu cá tra khởi động trở lại”, ông Quốc thông tin.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương khảo sát lại diện tích thả nuôi. Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài phải cùng DN xuất khẩu làm việc với các đối tác để có phương án gỡ vướng phù hợp. Ông Quốc cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ một số vướng mắc nhưng chỉ mới trên lý thuyết, thực tế xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn chưa thông.

Cũng theo ông Quốc, các ngân hàng nên kéo dài hạn mức tín dụng trung hạn nhằm hỗ trợ DN thu mua hết lượng cá tồn trong dân.

Xây dựng thương hiệu gắn với tư duy mới về thị trường

Do chưa có thương hiệu quốc gia nên cá tra Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng. Không ít lần cá tra rơi vào cảnh “khủng hoảng” trước những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh và bị kiện chống bán phá giá ở một số thị trường vì không có biện pháp phòng vệ.

Theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và PTNT), thực tế, cá tra Việt Nam đã được rất nhiều người biết đến. Tuy nhiên, cá tra chưa tạo được sản phẩm cụ thể, hình ảnh tốt đẹp để người tiêu dùng tin tưởng tuyệt đối và sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm tốt nhất.
Nguyên nhân là sản phẩm cá tra chưa tạo ra được giá trị khác biệt, phần lớn vẫn chỉ là sản phẩm đông lạnh (cá tra phi lê). Các sản phẩm thường bị ẩn danh dưới mác của nhà nhập khẩu, tên tuổi cá tra Việt Nam chưa đến được tận tay người tiêu dùng. Do đó, cần xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam.

Ông Cẩn cho rằng, xây dựng thương hiệu là vấn đề rất khó, nên bắt đầu từ bản chất của thương hiệu. Thương hiệu không đơn thuần là nhãn hiệu hàng hóa mà là sự tin tưởng, trung thành, chấp nhận... của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Ở đây, cá tra là sản phẩm cụ thể và để xây dựng thương hiệu thì cần có kiến thức hiểu biết nhất định, có nội dung, nguồn lực đầu tư, xây dựng hình ảnh, tạo sự khác biệt, sự đồng thuận... Như vậy, thương hiệu là khái niệm tương đối trừu tượng, nó có trong tâm trí của người tiêu dùng, nhưng lại gắn với một sản phẩm cụ thể.

Ngoài ra, điều quan trọng, để cá tra Việt Nam phát triển ổn định, các nhà cần thay đổi tư duy từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Phải lấy tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, có giải pháp để bảo vệ và duy trì chất lượng ổn định; quảng bá giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; nhãn hiệu, bộ nhận diện sản phẩm (logo); chống hàng giả, hàng nhái...

Về phía DN, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty trong việc thu mua nguyên liệu, phá giá xuất khẩu cũng là vấn đề lớn của ngành cá tra. Khi DN  cạnh tranh không lành mạnh thì hậu quả là uy tín của toàn ngành bị suy giảm. Điều này cho thấy các DN ngành cá muốn phát triển, cần có sự thay đổi trong tư duy kinh doanh cũng như phải tập trung đầu tư phát triển sản phẩm chất lượng hơn nữa trong tương lai.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng có những định hướng, văn bản chỉ đạo, chương trình, đề án để “giải cứu” cá tra như: đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình sản phẩm quốc gia, đề án cá tra ba cấp... và tập trung khuyến khích tạo ra sản phẩm cá tra có chất lượng; khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết nhằm gắn kết giữa sản xuất với chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng để hướng tới truy xuất nguồn gốc. Khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; xử lý các rào cản thương mại. Và đặc biệt là siết chặt kỷ luật quy hoạch vùng nuôi để kiểu nuôi theo phong trào không thể tồn tại. Còn nuôi theo phong trào thì còn phải giải cứu.

Theo thông tin từ VASEP, tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 961,6 triệu USD, giảm 4,1% so với nửa đầu năm trước.

Đáng chú ý, đã 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 3-6/2019, giá trị xuất khẩu cá tra giảm từ 6-17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Brazil và Colombia giảm, kéo tốc độ tăng trưởng chung chậm lại.

Tuy nhiên, sang quý 3, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tăng trưởng trở lại, song sẽ không quá 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Chanh/kinhtenongthon.vn