Bài toán tái cơ cấu nông nghiệp: Gỡ khó cho nông sản: Cần nhiều lời giải
- Thứ ba - 09/07/2013 20:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đem vấn đề này đến hỏi lãnh đạo ngành Trồng trọt, người viết được chia sẻ về vướng mắc trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại nhiều vùng làm sao để phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn không vi phạm quy hoạch đất nông nghiệp nói chung, đất lúa nói riêng. Đây là cái khó của các cấp trung ương lẫn địa phương khi muốn gỡ vướng cho người dân để phát triển được những giống cây trồng lợi thế, có hiệu quả kinh tế cao. Trên thực tế, tại nhiều địa phương, người dân vẫn tự phát trong việc sản xuất nông sản và chịu chấp nhận mạo hiểm “được ăn cả, ngã về không”. Và đó cũng là nỗi buồn không tên của những người làm nông nghiệp ở cơ sở.
Ông Đào Xuân Vinh, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh Bắc Giang, đúc rút sau khi làm các mô hình VietGap tại địa phương: “Vai trò tập hợp người dân mình không thể làm thay mà chính họ phải thấy cần mới làm. Có vậy mới tồn tại, phát triển bền vững được. Phải có cơ chế và yêu cầu của thị trường, mà yêu cầu của thị trường hiện nay cũng còn đơn giản…”
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đánh giá, để cho các mô hình như VietGap hiệu quả hơn, cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, tăng cường mối quan hệ với nông dân để hình thành hợp tác xã của nông dân. Từ đó có được những đại diện của nông dân để ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Và trên thực tế những mô hình như vậy đã xuất hiện trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả…
Như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: “Với nền nông nghiệp nhỏ lẻ có tới 10 triệu hộ nông dân, chúng ta không thể quản lý tốt nếu không có tổ chức của nông dân. Xây dựng đầu mối tiếp cận nông dân để hướng dẫn, hỗ trợ chứ không thể tiếp cận giám sát từng hộ nông dân. Đây là một phần quan trọng trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp”.
Song để thuyết phục người nông dân thôi mạo hiểm, tin tưởng vào những quy hoạch về vùng sản xuất, về giống cây trồng, về đầu ra sản phẩm, để giúp họ thu lợi cao nhất trên mỗi thửa đất của mình thì ngành nông nghiệp phải nhanh chóng hoàn thiện bộ khung cơ chế, chính sách cơ bản, đáng tin cậy từ việc nghiên cứu dự báo thị trường, quy hoạch vùng sản xuất, nghiên cứu giống cây trồng, xây dựng mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa nông dân với nhà khoa học, nông dân với ngân hàng…
Cùng với những câu chuyện xoay quanh loại quả đặc sản của Lục Ngạn, trong những bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến những trăn trở của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp - những đối tượng mà tái cơ cấu nông nghiệp đang hướng tới. Họ có sự chủ động, sự nhạy bén và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương nhưng họ đang gặp những rào cản gì?
Gỡ khó cho tiêu thụ nông sản là mục tiêu cốt yếu của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài khó khăn về việc tập hợp nông dân để thực hiện quy hoạch, tổ chức lại vùng sản xuất tập trung và xây dựng thương hiệu nông sản như đã nêu trong loạt bài vừa qua, loạt bài tới sẽ tiếp tục đưa đến cho bạn đọc góc nhìn về những cái "khó" trong việc tiêu thụ nông sản hiện nay, đó là những bất cập về việc chống hàng lậu, công tác dự báo thị trường và việc hạn chế những " vòi bạch tuộc" của thương lái đang thu một phần lợi lớn trong chuỗi giá trị sản xuất nông sản.
Hương Nam
Theo baodientu.chinhphu.vn