Bán - mua chứng nhận VietGAP: Người tiêu dùng hoang mang và nghi ngờ

Bán - mua chứng nhận VietGAP: Người tiêu dùng hoang mang và nghi ngờ
Những ngày gần đây, sau khi Truyền hình Việt Nam (VTV) thông tin việc có thể mua Giấy chứng nhận VietGAP dễ dàng, người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng. Nhiều bà nội trợ cho biết, trong “rừng thực phẩm bẩn” bủa vây hiện nay, để bảo vệ sức khỏe gia đình, họ chọn mua nông sản có chứng nhận VietGAP dù giá có cao hơn bởi tin đó là sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn (được sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Vậy nhưng khi tiếp nhận thông tin từ VTV, có thể mua Giấy chứng nhận VietGAP dễ dàng thì họ cho biết, không biết phải đặt niềm tin vào đâu. Họ cho rằng, niềm tin của họ đang bị một số kẻ đánh cắp!

Chưa biết việc mua – bán chứng nhận VietGAP thực hư thế nào bởi theo lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong quá trình giám sát, Cục chưa phát hiện hiện tượng mua bán giấy chứng nhận nào. Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, Cục đã thanh, kiểm tra theo quy định. Với 23 đơn vị cấp VietGAP được Cục chỉ định, Cục kiểm tra ít nhất 2 lần trong 5 năm; với 1.454 cơ sở được cấp VietGAP, Cục kiểm tra đột xuất và theo kế hoạch, nghĩa là, số đối tượng phải kiểm tra lên tới gần 1.500 đơn vị.

Trao đổi với báo chí, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, Cục đã có quyết định kiểm tra tất cả quy trình cấp Giấy chứng nhận VietGAP của Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định Vinacert (công ty được VTV nêu tên). Đồng thời, qua sự việc này, Cục cũng có quyết định kiểm tra tất cả 22 đơn vị đã được Cục chỉ định cấp chứng nhận VietGAP.

Để nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, qua đó giúp người tiêu dùng trong nước được dùng thực phẩm sạch, an toàn và mở rộng thị trường ngoài nước, nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu, ngành nông nghiệp đang khuyến cáo và thực hiện nhiều giải pháp mở rộng diện tích canh tác VietGAP đối với cả trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản.

Hiện chưa có kết quả kiểm tra của Cục Trồng trọt, nhưng qua sự việc này  thấy, dù thông tin đúng hay sai thì việc này cũng đã tạo nên tâm lý bất an cho người tiêu dùng trong nước và là cớ để đối tác nước ngoài áp đặt những điều kiện khó khăn hơn đối với nông sản của ta. Việc làm này không chỉ làm cho người tiêu dùng hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin vào các sản phẩm có chứng nhận VietGAP mà còn làm những người đang thực hiện quy trình sản xuất VietGAP cũng không muốn tiếp tục bởi sợ “vàng thau lẫn lộn”. Không chỉ người tiêu dùng cho rằng niềm tin của họ bị đánh cắp mà người sản xuất đúng chuẩn VietGAP cũng chung suy nghĩ như vậy.

Mong các cơ quan chức năng sớm có kết luận và công khai thông tin về việc này để cả người tiêu dùng an tâm khi sử dụng và người sản xuất yên tâm mở rộng sản xuất theo quy trình VietGAP.

Thanh Hiền

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn