Bàn tròn: Nông dân thu triệu đô cùng HTX
- Thứ năm - 20/08/2015 23:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Loạt bài về HTX nông nghiệp ở các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Lâm Đông, Long An, Bến Tre do VietNamNet thực hiện trong nửa đầu tháng 8 này đặt ra nhiều vấn đề liên quan hiệu quả liên kết kinh tế tập thể của mô hình HTX.
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 10 nghìn HTX nông nghiệp, trong đó chỉ có khoảng 10% làm ăn hiệu quả, 60%-70% hoạt động cầm chừng, còn lại khoảng 20-30% ngừng hoạt động. Số hộ xã viên chiếm 45% tổng số hộ nông dân cả nước, tức khoảng 6,7 triệu hộ.
Liên kết tập thể theo mô hình HTX đã có những biến động trong mấy chục năm qua, đặc biệt gắn với chính sách kể từ luật HTX 1996, 2003 và 2012. Tính đến các chính sách phát triển HTX, có thể nói, so với các loại hình kinh tế tập thể khác, HTX có số lượng văn bản chính sách điều chỉnh, hướng dẫn khá nhiều, thậm chí nhiều nhất.
Nhưng HTX nông nghiệp từng hưng thịnh như một trong những hình thức kinh tế chính thập niên 80 nay ngày càng giảm dần, thực tế cho thấy một xu hướng nông dân tìm hướng liên kết thực dụng, tiện ích mà vẫn độc lập, chủ động. Không ít nông dân hiện nay lựa chọn hình thức liên kết trực tiếp với doanh nghiệp qua hợp đồng.
Trong khi đó, chính sách tiếp cận đất đai, vốn ngân hàng là một vấn đề rất lớn đối với HTX và các liên kết kinh tế tập thể khác. Đội ngũ nông dân thì thiếu đào tạo bài bản về những kiến thức làm thị trường. Họ có thể rất giỏi về kỹ thuật, nghề nhưng tư duy kinh tế thị trường vẫn còn thụ động.
Trong bối cảnh tính cạnh tranh của các hình thức trong liên kết kinh tế tập thể trong nông nghiệp chắc chắn sẽ gia tăng, làm thế nào mô hình HTX tiếp tục phát triển tối ưu, cạnh tranh với các hình thức liên kết, hợp tác khác? Liệu HTX có thể lấy lại vị thế vai trò dẫn dắt sản xuất nông nghiệp, hay trong bối cảnh mới cần có tư duy mới về kinh tế hợp tác để có đột phá về hiệu quả kinh tế như thế nào? VN có thể nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển HTX ra sao?
Những vấn đề nêu trên sẽ được đặt ra trong cuộc bàn tròn với chủ đề: Từ hoạt động của HTX nông nghiệp, suy nghĩ về hiệu quả liên kết kinh tế tập thể vào sáng 21/8 tại trụ sở VietNamNet phía Nam (TP.HCM).
Ba vị khách mời là TS Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT); TS Đào Thế Anh, Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm và ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào (Lâm Đồng).
Trân trọng mời bạn đọc theo dõi và đặt câu hỏi cho các khách mời TẠI ĐÂY.
Nội dung cuộc bàn tròn đang diễn ra tại TP.HCM:
BTV Xuân Linh: Xin được mở đầu bàn tròn với câu hỏi dành cho 2 cán bộ làm công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách:
Các nguồn thống kê chính thống gần đây chỉ ra, cả nước hiện có hơn 10 nghìn HTX nông nghiệp, trong đó chỉ có khoảng 10% làm ăn hiệu quả, 60%-70% hoạt động cầm chừng, còn lại khoảng 20-30% ngừng hoạt động.
Số hộ xã viên chỉ chiếm 40-50% tổng số hộ nông dân cả nước. Rất khác so với thời kỳ những năm 1980, lúc đó HTX nông nghiệp hưng thịnh với những phong trào sản xuất khoán đến hộ viên, lên đến hàng chục nghìn HTX, là một trong những hình thức kinh tế chính của VN.
Những người làm chính sách, nghiên cứu suy nghĩ thế nào về hiện tượng ngày càng giảm dần đi đáng kể của loại hình hoạt động kinh tế này? Những điểm mấu chốt nào khiến các ông suy nghĩ?
TS Lê Đức Thịnh: Số lượng là tiêu chí quan trọng để nhìn nhận trình độ phát triển về nông nghiệp ở một quốc gia hay vùng lãnh thổ, càng phát triển thì số lượng HTX càng nhiều. Ví dụ ở vùng Québec, Canada, số lượng HTX nhiều hơn số lượng đầu hộ.
Ở VN thì số lượng giảm dần từ thời bao cấp, từ 77 nghìn xuống khoảng 10.500 HTX. Nhưng không thể so sánh, vì HTX thời bao cấp về bản chất không phải HTX, mà là các DNNN trong nông nghiệp, xí nghiệp nông nghiệp của nhà nước ở nông thôn, nhà nước đứng ra tổ chức sản xuất, nông dân trở thành công nhân HTX.
10.500 HTX hiện nay thì khác. Dù vẫn còn một số HTX như mô hình cũ, nhưng những HTX mới thành lập chủ yếu là điều phối, hỗ trợ kinh tế hộ, cung ứng dịch vụ hơn là tổ chức sản xuất.
Đính chính nữa, thành viên HTX chiếm 45% nông dân, nhưng vẫn là ít, vì một hộ có thể tham gia nhiều HTX như ở Québec.
BTV Xuân Linh: Còn ông Đào Thế Anh, ông đánh giá thế nào về sự biến động trong quá trình phát triển HTX tại VN qua các thời kỳ?
TS Đào Thế Anh: Trong năm 1988 ta chấm dứt mô hình HTX kiểu cũ, chuyển đổi sang mô hình mới. Nhận thức cũng như chính sách về HTX đã thay đổi.
Tuy nhiên, vấn đề nhận thức về mô hình HTX vẫn còn chưa thống nhất, vẫn chủ yếu là mô hình HTX làm dịch vụ đầu vào mua phân bón, giống, thủy lợi, hộ nông dân tự sản xuất.
Hiện tại, các HTX đang trong quá trình chuyển đổi luật mới 2012. Đây cũng là lúc HTX có cơ hội phát triển tốt bởi bà con sản xuất nông nghiệp chủ yếu còn gặp khó khăn về tiếp cận thị trường.
Luật mới năm 2012 cũng đề ra yêu cầu HTX cần hỗ trợ nông dân kinh doanh, tiếp cận thị trường. HTX nào làm tốt đầu ra sẽ phát triển được.
Dĩ nhiên, quá trình chuyển đổi cũng không thể vội vàng. Luật vừa mới ra năm 2012, mọi vấn đề cần có quá trình hoàn thiện nhất là kỹ năng kinh doanh. Lãnh đạo HTX cũng cần thời gian để nắm bắt kỹ năng kinh doanh cũng như quản lý…
BTV Xuân Linh: Xin hỏi ông Nguyễn Công Thừa, ngoài kinh nghiệm liên kết và phát triển đúc kết từ quá trình hoạt động, các ông có tham khảo mô hình kinh nghiệm hoạt động của nước ngoài hay không?
Ông Đào Công Thừa: Chúng tôi cũng có may mắn khi chính quyền địa phương cũng như một số tổ chức đã tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Ví dụ, chúng tôi đã đi thực tiễn ở Canada.
Tôi đã được chứng kiến mô hình HTX hoạt động ở đó. Nông dân Canada chỉ lo sản xuất, không phải lo bất cứ điều gì bên ngoài. HTX lo toàn bộ những thứ còn lại. Nông dân thực sự yên tâm với sản phẩm mình làm ra. Cuộc sống ổn định. Và tôi học hỏi được điều đó.
Tuy nhiên, tôi cũng có suy nghĩ, khi mô hình hiện tại của HTX chúng tôi phát triển mạnh hơn, lớn hơn thì liệu chúng tôi còn đáp ứng được không. Vì thế, chúng tôi càng phải liên tục học hỏi, nâng cao nhận thức cũng như trình độ để đáp ứng với sự phát triển của thực tế.
Tiếp tục cập nhật...
VietNamNet