Bàn về cây có múi ở Bắc Trung Bộ: Sản xuất sạch, phù hợp quy hoạch

Bàn về cây có múi ở Bắc Trung Bộ: Sản xuất sạch, phù hợp quy hoạch
Những năm gần đây, cây ăn quả có múi (cam, chanh, bưởi) ở vùng Bắc Trung Bộ đã trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh… nên sản phẩm cam, quýt ở đây được đánh giá có chất lượng tốt, người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhằm giúp bà con nông dân phát triển cây có múi ổn định, tránh phát triển ồ ạt, mới đây Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp Sở NNPTNT Nghệ An tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chủ đề “Giải pháp phát triển sản xuất cây có múi hiệu quả vùng Bắc Trung Bộ”.

Cây có múi ngày càng được ưa chuộng

Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Từ những năm 1960, cây có múi, đặc biệt là cây cam đã trở thành cây ăn quả đặc sản của vùng, có tính sản xuất hàng hóa, từng đóng góp sản lượng và giá trị xuất khẩu đáng kể...

 ban ve cay co mui o bac trung bo: san xuat sach, phu hop quy hoach hinh anh 1

 Cây cam đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân Quỳ Hợp. (ảnh: Lê Tập)

Những năm gần đây, cây có múi (cam, chanh, bưởi) tiếp tục phát triển và là nhóm cây quả chủ lực của vùng với diện tích hiện có 27,94 nghìn ha, chiếm 40,15% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng, bằng 11,54% diện tích cam, quýt, chanh, bưởi cả nước.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ đã hình thành một số vùng cây ăn quả có múi sản xuất hàng hóa tập trung như vùng trồng cam ở Quỳ Hợp, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Con Cuông (Nghệ An); Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), vùng trồng bưởi ở Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh)… Trong đó có những giống cam bưởi nổi tiếng như bưởi Phúc Trạch, cam Bù, cam Vinh, bưởi đỏ Luận Văn…

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, do việc trồng cam, bưởi ở các tỉnh Bắc Trung Bộ chủ yếu tự phát, trồng theo phong trào nhưng diện tích lại manh mún (diện tích vườn quả phổ biến từ 0,2 – 0,6ha/hộ) nên việc tiêu thụ đôi lúc gặp khó khăn, giá cả bấp bênh; các vùng sản xuất hàng hóa chưa rõ nét, chất lượng sản phẩm chưa ổn định; đặc biệt là thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây có múi.

Tránh phát triển “nóng”

Tại diễn đàn, nhiều vấn đề quản lý sâu bệnh hại, sản xuất sạch bệnh, áp dụng quy trình thâm canh và các tiến bộ khoa học kỹ thuật (tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua hệ thống tưới, bao quả, thụ phấn bổ sung), sản xuất theo GAP… đã được các nhà khoa học, nhà quản lý và bà con nông dân đưa ra thảo luận sôi nổi, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, độ đồng đều về kích thước, hình thức mẫu mã và lượng quả. 

Các địa phương cần phát triển các vùng cây có múi gắn với thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu; phát triển những giống tốt; xây dựng mô hình chuỗi liên kết nông dân, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Quan trọng nhất là nông dân sản xuất được sản phẩm chất lượng, an toàn...”.
Ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt

Bà Nguyễn Thị Hương - người trồng cam lâu năm ở xã Yên Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) mong muốn các nhà khoa học giúp các nhà vườn cách khắc chế sâu bệnh hiệu quả, ít phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh hoá học nhưng năng suất và sản lượng cam vẫn ổn định.

Còn ông Chu Văn Viết ở xã Bồng Khê (huyện Con Cuông) hỏi giải pháp cho đầu ra quả cam ổn định.

Ông Trương Minh Châu - chuyên gia lĩnh vực trồng trọt (Sở NNPTNT Nghệ An) cho rằng, người trồng cam cần tập trung vào chất lượng sản phẩm, sản xuất cam an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Để tăng giá trị quả cam, tìm đầu ra ổn định, bà con nên tham gia vào hợp tác xã, nhóm hợp tác để cùng nhau sản xuất theo tiêu chí VietGAP.

Định hướng về việc quy hoạch vùng trồng cây có múi Bắc Trung Bộ, ông Hoàng Văn Hồng - Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt và lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho biết, hiện nay việc phát triển sản xuất cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng được nhiều nông dân lựa chọn vì hiệu quả kinh tế cao.

Bộ NNPTNT đã có chỉ đạo các địa phương Bắc Trung Bộ phát triển cây có múi phải phù hợp với diện tích quy hoạch của từng tỉnh, từng vùng đặc sản, tránh phát triển nóng, ồ ạt, dẫn tới cung vượt cầu. Các địa phương phải tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ trước khi trồng, sử dụng giống cây sạch bệnh. 
http://danviet.vn/nha-nong/ban-ve-cay-co-mui-o-bac-trung-bo-san-xuat-sach-phu-hop-quy-hoach-1032923.html

Theo Lê Tập/danviet.vn