Bao giờ hết giải cứu thịt heo?

Bao giờ hết giải cứu thịt heo?
Cơn “bão” giá heo tiếp diễn những ngày qua đã khiến hàng triệu hộ nông dân trôi dạt xuống đáy của cuộc mưu sinh. Cùng với việc nhiều hộ nông dân có nguy cơ bị heo “ăn” hết cơ nghiệp, là việc lộ rõ sự hạn chế của ngành nông nghiệp khi bài học “được mùa mất giá” còn tái diễn.

Biếm họa về giá heo Nguồn: Tuổi trẻ Online

Biếm họa về giá heo     Nguồn: Tuổi trẻ Online

Nông dân “vô sản hóa”

  

Sự việc này xảy ra đã hơn 1 tháng nay, khi phong trào “rủ nhau” ăn thịt heo rầm rộ ở các nơi. Theo thống kê, cả nước có hơn 30 triệu con heo được nuôi, nhưng số lượng tiêu thụ trong nước rất khiêm tốn, cộng với thị trường Trung Quốc thoái trào, khiến thịt heo dư thừa quá lớn. Theo Cục Thú y, cả năm 2016, tổng số heo sống xuất bán qua Trung Quốc khoảng 4,17 triệu con (gồm 743.000 con heo thịt và 3,427 triệu con heo sữa). So với tổng đàn hiện nay chiếm chưa đến 10%). Đã có hàng triệu nông dân thua lỗ, nợ nần, bán cả sổ đỏ để trả nợ tín dụng. 

Có nhiều nơi, thịt heo được thu mua tại nhà dân là 15.000 đồng/kg, mức giá này cũng không cố định ở các địa phương khác nhau, có nơi thịt được thu mua cao hơn, từ 20.000 đến hơn 30.000 đồng/kg. Nhưng ở mức giá nào, người nuôi cũng thua lỗ, tính ra với mức giá trên, người nuôi lỗ 500.000 đồng/con heo, và với số lượng đàn heo của cả nước, người nuôi heo cả nước thua lỗ gần 15 nghìn tỷ đồng. 

Chưa bao giờ ngành nuôi heo lại bi đát đến thế, khiến nông dân mất nghiệp, nợ nần, chưa kể công sức chăm sóc đàn heo. Vì khó khăn, giải pháp tình thế nhiều người lựa chọn là “thả nổi” đàn heo vào rừng, hoặc cho ăn cầm hơi, chờ qua cơn bão giá.  

  

Doanh nghiệp đỡ một phần

  

Nhiều doanh nghiệp và cả các bộ ngành cùng vào cuộc chung tay giải cứu thịt heo. Đã có một số doanh nghiệp đi đầu “đồng cam cộng khổ” cùng nông dân. Ngoài ra, các hiệp hội cũng vào cuộc với mục đích thu mua giá tốt hơn, tiêu thụ số lượng lớn cho người nông dân. Tuy nhiên, nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động dưới dạng quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết, nên việc giải cứu chỉ như “muối bỏ biển”. Chính doanh nghiệp cũng thừa nhận, nông dân vẫn là người thua thiệt nhất, những tư thương, thương lái lại tranh thủ cơ hội này làm dày thêm cho túi tiền của mình trên sự kiệt quệ của nông dân. Bởi trước khi có sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, giá thịt được bán ra tại các chợ truyền thống, siêu thị… vẫn cao ngút trời. Trong khi giá bán tại chuồng nuôi thì quá bèo. 

Nhiều năm liền, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn tồn tại dưới dạng mạnh ai nấy làm, bộc lộ nhiều yếu kém. Dù đã có một số doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện nghiêm chỉnh những nội dung về công nghệ, kỹ thuật, thực hiện thu mua theo chuỗi, liên kết sản xuất nhưng số lượng đó không nhiều. Cuộc khủng hoảng thừa thịt heo lần này xảy ra, không biết các doanh nghiệp có suy nghĩ và rút ra điều gì? 

  

Vai trò của nhà nước

  

Dù nhà nước đã ráo riết vào cuộc chung tay giải cứu như Bộ NN&PTNT đưa ra lời kêu gọi giảm đàn, kêu gọi doanh nghiệp giảm giá thức ăn chăn nuôi, tăng thu mua giết mổ cấp đông, đàm phán với đối tác nước ngoài mở thị trường xuất khẩu… Nhưng đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế. Giải pháp căn cơ chính là thay đổi cách thức sản xuất của người nông dân. 

Theo tính toán của ngành chăn nuôi, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45% tổng đàn nuôi, 55% vẫn ở quy mô hộ nhỏ lẻ với xấp xỉ 3 triệu hộ. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá thành chăn nuôi cao, khó kiểm soát theo chuỗi, các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ đều rời rạc nên dễ dẫn đến rủi ro. 

Ông Võ Việt Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến Thực phẩm Nam Hà Nội cho biết, việc mở trang trại chăn nuôi hiện nay quá dễ dãi, gần như không phải chịu bất kỳ điều kiện ràng buộc nào nên các trang trại siêu nhỏ đến lớn mọc lên khắp nơi. 

  

Cùng với một ngành chăn nuôi manh mún là tình trạng mất an toàn thực phẩm đã diễn ra nhiều năm nay. Người chăn nuôi lạm dụng kháng sinh, chất cấm tạo nạc, kích thích tăng trưởng khiến người tiêu dùng dần mất niềm tin, e dè và quay lưng với thịt heo. 

  

Do đó, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi là cần thiết, giúp người nông dân không bị “bên lề” như hiện nay. Nhà nước phải hỗ trợ nông dân thành lập các hợp tác xã, hiệp hội, đào tạo kiến thức quản lý, kiến thức thị trường cho người nông dân để họ có thể liên kết với doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường, mở rộng mạng lưới phân phối. Cùng đó là vấn đề quy hoạch, định hướng, cung cấp thông tin và hỗ trợ của Nhà nước cho nông dân sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần tổ chức lại thị trường, giảm bớt khâu trung gian, có hệ thống dự báo và cung cấp thông tin thị trường thường xuyên cho nông dân, đồng thời nỗ lực cùng nông dân, doanh nghiệp mở rộng thị trường. 

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo cần tái cơ cấu lại. “Bộ sẽ quyết liệt tổ chức lại ngành chăn nuôi, tiến tới xây dựng một ngành chăn nuôi heo mang tính hiệu quả, bền vững, nếu cứ để tồn tại một ngành chăn nuôi heo với 3 triệu nông hộ nhỏ lẻ tham gia thì sẽ còn diễn ra những cuộc giải cứu heo”.

 
Nguồn: nguoichannuoi.vn