Bao giờ hết lo cho tôm thẻ?
- Thứ tư - 08/04/2015 03:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2014, sản lượng tôm nước lợ 660.000 tấn, tăng 22% so với năm 2013; trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng gần 400.000 tấn, tăng 42,9% so với năm 2013”. Tuy nhiên, phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu để tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Nuôi tôm nước lợ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Từ điển hình Sóc Trăng…
Tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL, liên tục tăng từ 20 năm nay. Năm 1996, diện tích nuôi tôm mới 24.000 ha, năm 2014 đã tăng lên 53.608 ha với diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh chiếm 83,7%. Trong đó, tôm chân trắng 31.749,2 ha; tôm sú 21.858,8 ha. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh tôm chân trắng 27.146 ha, tăng 1,7 lần so với năm 2013.
Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) có 17 thành viên, khá giả nhờ nuôi tôm. Trong 3 năm qua, nhiều người xung quanh nuôi tôm bị lỗ thì ở đây vẫn có lời. Thành công của hợp tác xã là thành công của việc quản lý cộng đồng, giữ môi trường tốt, kết hợp nuôi tôm với nuôi cá rô phi. Với diện tích ao nuôi 53,5 ha, có ao nuôi cá rô phi 23,5 ha, còn 30 ha nuôi tôm.
Kết quả nuôi tôm chân trắng trong năm 2014, ông Tăng Văn Súa có 5 ha, thu 29 tấn, lời hơn 1 tỷ đồng. Ông Tăng Văn Tuối nuôi 1 ha, thu hơn 5 tấn, lời 250 triệu đồng. Ông Đỗ Văn Tel nuôi 1 ha, thu gần 4 tấn, lời 190 triệu đồng. Ông Ngyễn Văn Buối nuôi 2,5 ha, thu 6,9 tấn, lời 350 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Kim nuôi 3 ha, thu 10 tấn, lời 600 triệu đồng.
Cũng ở tỉnh Sóc Trăng, hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê ở xã Hòa Tú 1 (huyện Mỹ Xuyên) với 27 thành viên, luân canh tôm - lúa 29 ha liên tục thành công. Trong 3 năm qua, hợp tác xã luôn có lời khá: năm 2012 lời 1,5 tỷ đồng, năm 2013 lời hơn 2 tỷ, năm 2014 lời 1,5 tỷ.
Nhưng cũng tỉnh Sóc Trăng có Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh nổi tiếng nhiều năm trước kia với các “đại gia” nuôi tôm công nghiệp thì mấy năm gần đây lại bị dịch bệnh hoành hành, chưa gượng dậy được. Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Văn Nhiệm cho biết: “Đang diễn ra cuộc tháo chạy của những người nuôi tôm từng có kinh nghiệm với quy mô lớn trong nhiều năm qua”. Theo ông Nhiệm, nguyên nhân chính là “tỷ lệ tôm chết hơn 50% số ao nuôi”.
Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Sóc Trăng cho biết, dịch bệnh dai dẳng gây thiệt hại lớn kéo dài nhiều năm qua chưa khắc phụ được. Diện tích tôm bị thiệt hại so với diện tích thả nuôi, năm 2011 chiếm 71,6%, năm 2012 chiếm 57%, năm 2013 giảm xuống 30% thì năm 2014 lại tăng lên 35,1%.
… đến hàng loạt bất cập
Theo Tổng cục Thủy sản, những yếu kém và hạn chế trong nuôi tôm cơ bản đã được đề cập từ nhiều năm nhưng không được khắc phục hoặc khắc phục nhưng kết quả chưa rõ rệt.
Trước tiên là giống. Do tốc độ tăng trưởng và nhu cầu con giống tăng nhanh, nhiều cơ sở sản xuất giống chạy theo lợi nhuận, sản xuất ngày càng lớn, không coi trọng chất lượng làm cho giống tôm ngày càng kém. Nhiều cơ sở sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, sử dụng tôm đẻ nhiều lần trong năm dẫn tới tôm giống mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm, chậm lớn, tỷ lệ sống và khả năng kháng bệnh giảm. Tôm giống kém chất lượng luôn là nguyên nhân hàng đầu được những người nuôi tôm xướng lên khi gặp dịch bệnh, thất bát.
Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL chưa được đầu tư thích đáng, vẫn chỉ là hệ thống thủy lợi phục vụ trồng lúa được tận dụng, không có hệ thống cấp và thoát nước riêng, chưa có hệ thống xử lý nước thải, giao thông và điện đều kém. Lý do được nhắc đến thường là thiếu vốn, tuy nhiên gần đây còn được đề cập đến lý do việc lập và thẩm định dự án đầu tư chậm.
Trong tình hình ấy, việc kiểm soát môi trường và dịch bệnh hầu như lại thả nổi. Hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư. Quản lý chất lượng con giống, thức ăn và các chất xử lý môi trường chưa tốt, ở nhiều địa phương đang bỏ mặc cho người nuôi tôm tự xoay xở.
Tổ chức sản xuất cũng đang ngày một nổi lên thành vấn đề bức xúc của phát triển. Ngoài một số nơi tổ chức được các hợp tác xã, tổ hợp nuôi tôm để quản lý cộng đồng thì vẫn còn 70 - 80% số hộ nuôi tôm hoạt động cá thể, rời rạc. Tình trạng này khiến việc quản lý môi trường vùng nuôi tôm càng phức tạp, khó khăn, nhất là khi xảy ra dịch bệnh rất khó khống chế, dập tắt.
Tất cả những yếu kém trên đối với nuôi tôm nước lợ nói chung gieo mối lo thường trực thì với nuôi tôm chân trắng thực sự là nguy cơ. Bởi lẽ, nuôi tôm chân trắng chủ yếu thâm canh mật độ cao, đòi hỏi các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe để kiểm soát chặt chẽ từng khâu trong suốt quá trình. Nếu dịch bệnh xảy ra, với tôm sú đã gây thiệt hại lớn, với tôm chân trắng thiệt hại càng khó lường.
nguồn: thuỷ sản việt nam