Bảo tồn, thương mại các giống vật nuôi bản địa: Hướng đi của tương lai

Bảo tồn, thương mại các giống vật nuôi bản địa: Hướng đi của tương lai
Trong khi các giống vật nuôi ngoại nhập lao đao tìm thị trường và cạnh tranh về giá thì các giống bản địa đang lên ngôi, song để tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao cho nền kinh tế thì nhiều vấn đề về công nghệ giống và thương hiệu cần được quan tâm.

Quê hương của các giống loài

Các nghiên cứu về lịch sử ngành chăn nuôi của thế giới đều khẳng định Đông Nam Á là một trong những cái nôi thuần hóa nhiều loài để xây dựng và phát triển ngành chăn nuôi như ngày nay. Việt Nam nằm ở vị trí có nghề nông nghiệp lúa nước lâu đời và ngành chăn nuôi cũng phát triển từ lâu với con gà, con lợn, con trâu, ngành chăn nuôi từ xa xưa đã là một phần không thể thiếu trong đời sống nông nghiệp.

Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đang quản lý nhiều loại con giống vật nuôi trong chương trình bảo tồn gen vật nuôi bản địa, theo số liệu thì trung bình hằng năm có 35 loại con giống được đưa vào danh sách bảo tồn và có 28 loại giống sau khi bảo tồn thành công được vào sản xuất. Điều đó cho thấy sự phong phú trong nguồn gen và việc đưa vào sản xuất được chú ý hơn trước kia.

Nhiều giống tốt như gà mía ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), vịt cỏ (Vân Đình, Ứng Hòa)… đã được đưa vào sản xuất theo hướng thị trường, nhưng đã bộc lộ những điểm yếu về giống. Chẳng hạn còn rất ít hộ giữ được giống vịt cỏ do năng suất thấp và thời gian nuôi dài. Người dân đã chuyển dần sang nuôi các giống vịt năng suất cao và thời gian nuôi ngắn. Không chỉ làm suy thoái nguồn gen, việc "giả mạo vịt cỏ Vân Đình" và từ bỏ giống vịt truyền thống của Vân Đình cũng đánh mất thương hiệu vịt Vân Đình. Đây cũng là vấn đề chung của nhiều con giống khác, đó là khi người dân ý thức được tính thương mại của thương hiệu truyền thống thì lại gặp vấn đề khó khăn về con giống bản địa.

bảo tồn thương mại các giống vật nuôi bản địa - chăn nuôi

Nhiều giống tốt như gà mía, vịt cỏ được đưa vào sản xuất theo hướng thị trường - Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

Xu hướng giống bản địa

Những cuộc cách mạng về giống và công nghệ đã giúp con người giải quyết vấn đề sản lượng trong chăn nuôi nhưng cũng đồng thời đặt ra vấn đề đa dạng hóa thị trường và bảo tồn các giống bản địa. Không chỉ ở các nước đang phát triển và có nhiều giống loài bản địa mà ngay các các nước nông nghiệp phát triển như ở Mỹ hay Nhật Bản, người tiêu dùng cũng đang có xu hướng quay trở lại với những giống loài bản địa được chăn nuôi theo kiểu truyền thống như thả vườn, thả đồi, gia súc chăn nuôi trên đồng cỏ, gắn với thức ăn tự nhiên và ít dùng công nghệ biến đổi gen.

Hiện tượng này cũng đang xảy ra ở Việt Nam với việc nhiều giống bản địa lên ngôi như gà Đông Cảo với giá hàng triệu đồng mỗi con hay các loại heo thả vườn ít mỡ nhiều nạc tự nhiên. Tuy nhiên, việc suy thoái giống đang là vấn đề trầm kha. Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã hỗ trợ 20 hộ nuôi với số lượng khoảng 4.500 con mía để cung cấp cho thị trường. Song chính các nhà khoa học cũng lo ngại việc nuôi thả gà mía xen lẫn với các loại gà khác sẽ dần làm thoái hóa nguồn giống.

Mặt khác, vấn đề thị trường cũng được đặt ra, các loài gia súc gia cầm khi vào thời điểm giết mổ bắt buộc phải tiêu thụ, có thể gây ra hiện tượng "cung lớn hơn cầu" khiến người dân gặp khó khăn về giá. Để bảo tồn nguồn gen, cần phải tạo ra được một thị trường ổn định, đảm bảo công nghệ làm giống không bị thua lỗ, đây là điểm yếu của thị trường giống bản địa.

 

Quy hoạch

Theo các nhà khoa học thì việc quy hoạch phát triển cho các giống loài bản địa là điều cần phải được xem xét và thực hiện nghiêm túc tại các địa phương. Đặc điểm sản xuất tại Việt Nam là còn mang tính tự cung tự cấp khá nhiều, do đó người dân và các cơ sở thường sử dụng con thịt làm con giống, điều này rất dễ dẫn đến sự pha tạp thoái hóa về giống nếu các loài gà, vịt, heo nuôi lẫn nhiều giống với nhau trên cùng một địa bàn. Đơn cử như việc nuôi vịt cỏ lẫn lộn với các loài vịt khác sẽ làm cho nguồn giống tốt trở nên khan hiếm.

Công nghệ làm giống, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ, như trường hợp cá tra hay tôm sú, song các chuyên gia cho rằng công nghệ làm giống chỉ phát huy được với điều kiện tính thương mại phải lớn. Tôm sú và cá tra của Việt Nam không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu ra thế giới, vì vậy, việc bảo tồn và phát triển nguồn giống đã được quan tâm chú ý từ lâu. Trong khi đó, các giống bản địa trong chăn nuôi thị trường còn rất khiêm tốn, chẳng hạn gà mía ước tính chỉ khoảng 20.000 con giống được cung cấp ổn định từ các nhà làm giống chuyên nghiệp chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc.

Việc quy hoạch vùng nuôi cho các loài bản địa, không chỉ đánh thức ý thức bảo tồn nguồn giống bản địa mà còn đảm bảo cho các giống loài có không gian để phát triển mà không lo bị pha tạp. Vấn đề quy hoạch chăn nuôi lại trở thành vấn đề nóng trong thời gian gần đây, do không ít địa phương đã dành quỹ đất cho đô thị hóa và công nghiệp. Một chuyên gia nông nghiệp của Pháp đã cho chúng tôi biết rằng "ở Pháp, các nhà quy hoạch đã nhận ra rằng cần phải dành đất đai nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp, thậm chí có người còn cho rằng cần phải tăng diện tích lên gấp 20 lần hiện nay nếu muốn xây dựng một nền nông nghiệp dựa vào các sản phẩm bản địa và được nuôi trồng theo phương thức truyền thống".

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Việt Nam nếu như quy hoạch phát triển gà đồi, lợn Mường, trâu thả rừng... thì rõ ràng diện tích dành cho chăn nuôi sẽ lớn hơn rất nhiều so với nuôi công nghiệp. Tuy vậy, ưu điểm của phương thức chăn nuôi này là tạo ra các sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao có giá cao gấp 10 - 20 lần nuôi công nghiệp, đồng thời tạo ra nhiều vùng sinh thái bền vững và cần thiết cho con người trong tương lai.

 

Xây dựng thương hiệu

Xây dựng thương hiệu nhằm tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường. Việc gà ngoại ồ ạt nhập vào Việt Nam khiến các loài gà bản địa rớt giá 20 - 15% thời gian vừa qua đã cho thấy việc xây dựng thương hiệu cho chăn nuôi trong nước còn đang giai đoạn hình thành. Nếu như nước mắm Phú Quốc hay vải thiều đã trở thành những thương hiệu xuất khẩu thì các giống bản địa trong chăn nuôi cơ bản vẫn tiêu thụ trong nước.

Bản thân việc phát triển thương hiệu trong nước cũng có thể giúp tiêu thụ sản phẩm đáng kể. Đơn cử gà đồi Yên Thế hiện xấp xỉ 3 triệu con/năm và nhiều bà con đồng bào các dân tộc đã có thu nhập tiền triệu nhờ nuôi gà với tổng giá trị tiêu thụ gà đồi khoảng 25 -  27 tỷ đồng/năm. Nếu việc xây dựng thương hiệu tốt hơn, chắc chắn các sản phẩm của bà con sẽ được tiêu thụ rộng rãi hơn tại thị trường nội địa và từ đó là bước đệm để tiến đến xuất khẩu.

 
Nguồn: nguoichannuoi.vn