Bấp bênh giá lúa vụ xuân
- Chủ nhật - 17/05/2015 20:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chiều chiều, những chiếc xe “cà tàng” của gánh hàng xáo lại len lỏi vào các ngõ xóm, lùng sục mua lúa cũ. Năm nào cũng vậy, cứ trước mỗi vụ thu hoạch mới thì nhu cầu mua lúa cũ (lúa hè thu) lại cao hơn lúa mới (lúa xuân) vài ba giá. Ông Đặng Bá Tiến (xóm 1, thị trấn Nghèn, Can Lộc) cho biết: “Tâm lý của người nông dân là muốn dọn dẹp sạch để chuẩn bị chỗ cất trữ lúa mới. Hơn nữa, vào thời điểm đó thì nguồn vốn đầu tư cho cả vụ sản xuất đã cạn kiệt, thế nên, hễ còn có lúa trong bồ là bán sạch. Nói thế thôi, chứ loại này cũng chẳng còn nhiều nữa, vừa rồi, vét hết sập cũng chỉ được vài tạ HT1, bán giá 7.000 đồng/kg”.
Trong khi đó, giá lúa mới đang chịu lép vế, ngay cả như nếp 87, nếp 98 ở quê hương có nhiều nhà máy, cơ sở nấu rượu như Khánh Lộc cũng chỉ “chạm” giá 6.200 đồng/kg, thấp hơn vụ hè thu gần 2 giá.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời điểm này, các loại giống dễ bán nhất là xuân mai 12 và khang dân 18. Tuy giá chỉ ở mức trung bình 5.500-6.000 đồng/kg nhưng thương lái khá “dễ tính” đối với chất lượng của các loại lúa này, chỉ cần trau phơi qua vài nắng là được. Sỡ dĩ nhu cầu 2 giống lúa này thường xuyên “đắt khách” vì chúng phục vụ nhiều cho chăn nuôi, làm hàng bánh…; còn lại như HT1 6.500-7.000 đồng/kg, nếp các loại 6.200-7.000 đồng/kg; VTNA 2: 6.000 đồng/kg…
Hiện nay, một số xã xuất hiện tư thương buôn bán quy mô lớn, thường xuất hàng đi các địa phương nội tỉnh hoặc ra thị trường Vinh (Nghệ An) thì thu mua với số lượng lớn hoặc một số đã hợp đồng từ trước với nông dân, còn lại nguồn thu mua chủ yếu vẫn là hàng xáo. Anh Nguyễn Văn Thành (Thạch Đài, Thạch Hà) cho biết: “Vụ xuân, nhà tôi làm hơn 1 mẫu, thu về hơn 2 tấn lúa, giỏi lắm chỉ để dùng khoảng 1/3, còn thì bán để trang trải nợ nần suốt mùa sản xuất, lo cho con cái học hành. Thế nên, biết là thiệt thòi khi bán lúa sớm những vẫn phải thuận theo”.
Mặt bằng giá cả này sẽ kéo dài khoảng ít tháng nữa, nhưng khi nhu cầu nguồn cung lắng xuống thì giá lúa sẽ tăng vùn vụt từng ngày.
Sau thu hoạch, nông dân có nhu cầu bán lúa nhiều nhưng thường bị ép giá |
Nhiều năm nay, có những loại giống gần như không ảnh hưởng của “cơn lốc” thị trường. Đó là P6, RVT, bắc thơm 7, lúa hữu cơ… Những “mặt anh tài” này đang là dòng giống chất lượng nhất hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh. Chính chất lượng đã làm nên thương hiệu cho sản phẩm, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, thậm chí là các thương lái phải làm hợp đồng kinh tế từ đầu vụ để giữ được nguồn hàng. Bởi thế mà, thị trường của các loại lúa này luôn ổn định.
Bà Võ Thị Hòa (Quang Chiêm, Đức Thịnh, Đức Thọ) chia sẻ: “Nhà tôi chỉ làm 2 loại chính: bắc thơm 7 và P6. Giá của 2 loại giống này luôn cao hơn đại trà 1-2 giá mà chẳng bao giờ sợ không có người mua, vào thời điểm này giá 8.000 đồng/kg”. Còn gia đình ông Nguyễn Hữu Thành (thôn Tân Phan, Kỳ Giang, Kỳ Anh) đã mấy năm nay chỉ tin dùng RVT canh tác bằng phương pháp sản xuất hữu cơ. Đây là giống lúa chịu thâm canh tốt, bởi thế, vụ nào, gia đình ông cũng đều bội thu, chất lượng gạo ngon, sạch nên rất được khách hàng ưa chuộng.
“Dùng phân vi sinh và các chế phẩm sinh học của Quế Lâm bón cho cây, so với truyền thống thì hình thức này nổi trội hơn cả, hạt gạo sáng, trong, cơm ngon. Cứ thu hoạch xong là có người đến thu mua với giá cao (8.000-9.000 đồng/kg), phần lớn là nhập về Vũng Áng”, ông Thành cho hay.
Bên cạnh đó, từ vụ xuân 2015 này, một số công ty liên kết sản xuất ở các địa phương cũng đang lên phương án thu mua khép kín lúa gạo, kể cả những giống đang sản xuất thử. Điều này phần nào giảm nhẹ gánh cho bà con nông dân trước nỗi lo mất giá sau thu hoạch.
Bức tranh về giá lúa vụ xuân một lần nữa cho thấy, chuyện “được mùa, mất giá”, “được giá lại… hết hàng” luôn đi kèm với nền sản xuất tiểu nông. Nông dân cần có định hướng sản xuất rõ ràng thì mới có thể bắt nhịp được với nền sản xuất hàng hóa, phát triển sản xuất một cách bền vững.
Theo: baohatinh.vn