Bát Xát phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Bát Xát phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
CTTĐT - Những năm gần đây, chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đã được các cấp ủy, chính quyền huyện Bát Xát quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung được đầu tư quy mô, hiện đại, sản xuất theo chuỗi liên kết, tạo ra các sản phẩm an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ, cung ứng ra thị trường.
 


Mô hình trồng dưa trong nhà kinh tại xã Bản QuaHiện nay, toàn huyện sản xuất được 628 ha diện tích ứng dụng công nghệ cao, trong đó diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao và một phần công nghệ cao là 99 ha, trong đó 6 tháng đầu năm 2019 sản xuất được 48 ha, đạt 48% KH. Diện tích cây ăn quả 355 ha gồm 350 ha chuối, 5 ha cây lê VH6; Chè áp dụng CNC 175 ha và 50 ha cây dược liệu. Một số mô hình cho thu nhập cao như mô hình trồng dưa lưới tại Quang Kim, Bản Qua, Cốc San cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau trái vụ tại Trịnh Tường, Y Tý cho thu nhập trên 140 triệu đồng/ha; mô hình trồng một số cây đặc sản như măng tây, dưa lê, bí cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha.
Một số mô hình ứng dụng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại xã Quang Kim như: Trồng thử nghiệm 3 ha giống lúa đen và phát triển diện tích trồng rau ứng dụng một phần công nghệ cao tại các thôn: Làng Pẳn, Kim Tiến, Làng Kim. Duy trì 01 ha trồng cây ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới tại thôn Làng Kim và phát triển thêm 03 ha nhà lưới tại thôn Làng Pẳn. Phát triển mở rộng diện tích trồng Măng Tây tại thôn Làng San, Làng Kim, Làng Quang. Thực hiện trồng rau củ quả chuyên canh tại thôn Làng Pẳn, Làng Kim, Làng San. Triển khai trồng 5 ha cây ăn quả tại khu vực Làng San, Làng Kim.
Việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đã xuất hiện ở mộ số xã vùng cao, tiêu biểu như xã Trịnh Tường, đến nay đã mở rộng thêm được 4.000 m2 nhà lưới để sản xuất cà chua và một số loại rau trái vụ. Theo đánh giá ban đầu, mô hình trồng rau ứng dựng công nghệ cao tại xã Trịnh Tường không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trồng rau trái vụ ứng dụng công nghệ cao tại xã vùng caoTuy đạt được những kết quả khả quan nhưng trong quá trình sản xuất, ngành nông nghiệp Bát Xát vẫn còn những khó khăn  như: Trình độ kỹ thuật của người dân ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, người dân thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị cũng như mở rộng quy mô, thiếu thông tin về thị trường, thiếu kinh nghiệm quảng bá sản phẩm. Nhiều khi sản xuất được sản phẩm chất lượng cao nhưng không tìm được kênh phân phối tiêu thụ ổn định từ các doanh nghiệp, một số nơi vẫn còn tình trạng bị tư thương ép giá nên dễ gây tâm lý chán nản cho người nông dân.
Song nhận diện được khó khăn trên, Đảng bộ, chính quyền huyện Bát Xát tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách phát triển nông nghiệp, chú trọng chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ hợp lý, nhân rộng các giống cây trồng mới. Đặc biệt, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung từ đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đem lại thu nhập cao và hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững tăng được năng suất, chất lượng cũng như giá trị các loại nông sản, qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.
https://laocai.gov.vn/ubnd-laocai/4/469/39616/368788/Tin-hoat-dong-NTM/Bat-Xat-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao.aspx
Theo Lưu Liên/laocai.gov.vn