Bắt tay với doanh nghiệp quảng bá đặc sản cho nông dân làm giàu
- Thứ năm - 04/07/2019 19:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc xây dựng, vận hành Trung tâm giao dịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề là cơ hội để kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Rộng “cửa” cho nhiều đặc sản
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có nhiều loại nông sản đặc trưng nổi tiếng từ lâu đời, được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng như: Rau su su, trà hoa vàng, ba kích, na dai, sữa bò, mật ong (Tam Đảo); dưa chuột, gạo Long Trì (Tam Dương); gạo Phú Xuân (Bình Xuyên); cá thính, thanh long ruột đỏ (Lập Thạch); ổi Đôn Nhân (Sông Lô); rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)…
Sau nhiều năm kiên trì phát triển, xây dựng thương hiệu, đến nay thanh long ruột đỏ của Vĩnh Phúc đã có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Thanh Huyền
Với mục tiêu khai thác, phát triển những loại nông sản đặc trưng, phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi như: Phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn của tỉnh; hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt; hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; hỗ trợ đối với từng loại rau quả trong sản xuất hàng hóa an toàn theo VietGAP; hỗ trợ sản xuất rau ăn lá…
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, từ các chính sách nêu trên, các mô hình sản xuất nông sản quy mô lớn, chuyên môn hóa như: Trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp lần lượt ra đời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đa dạng các loại nông sản chất lượng cao, tỉnh Vĩnh Phúc còn có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống. Trung bình mỗi năm, các làng nghề sản xuất ra hàng triệu sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu của thị trường.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân, một số nông sản, sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt đầu chinh phục được các thị trường lớn trên thế giới như: Nhật Bản, Đài Loan và một số nước châu Âu, đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều vùng quê…
Còn nhiều việc phải làm
Mặc dù đã có nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề vươn ra thị trường lớn nhưng việc tiêu thụ hiện nay vẫn còn khá manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào tư thương. Lý giải về vấn đề này, ông Trịnh Đình Mao-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Nông sản, sản phẩm làng nghề của tỉnh vẫn chưa có đầu ra ổn định, bởi các điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng còn thiếu và yếu; sản phẩm làm ra chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, chưa có nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, bao bì còn khá đơn điệu…
Trung tâm giao dịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề hứa hẹn sẽ trở thành sợi dây kết nối giữa nông dân, đơn vị kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, làng nghề và người tiêu dùng; giúp nông sản, sản phẩm làng nghề của tỉnh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường... |
Nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn cho nông dân, tạo đầu ra cho sản phẩm, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu của hội viên nông dân. Hội Nông dân tỉnh giao Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tổ chức huy động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ NNPTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của vùng đồng bằng Bắc Bộ và các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước.
Nhờ các hoạt động hỗ trợ của Hội, nhiều sản phẩm nông sản của nông dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có được cơ hội hợp tác, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ như: Sản phẩm rượu ba kích; trà hoa vàng, mật ong (Tam Đảo); thanh long ruột đỏ (Lập Thạch); gạo Long Trì (Tam Dương)…
Nhằm đổi mới cách thức quảng bá, giới thiệu nông sản, sản phẩm làng nghề, mới đây, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần Hội chợ và Xúc tiến thương mại (FPT) triển khai xây dựng Trung tâm giao dịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề cho nông dân. Trung tâm đặt tại địa chỉ Km 6, xã Kim Long (Tam Dương). Dự kiến sau khi hoàn thành, trung tâm sẽ là nơi quy tụ tất cả các sản phẩm được sản xuất từ các địa phương, làng nghề truyền thống trong tỉnh; là nơi giới thiệu, quảng bá, kết nối cung cầu hỗ trợ nông dân, tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Trịnh Đình Mao, sản phẩm trưng bày ở trung tâm phải là sản phẩm an toàn và có nhãn hiệu chất lượng đăng ký theo quy định. Hội Nông dân không trực tiếp đứng ra mua bán mà lựa chọn các tổ chức, cá nhân có điều kiện, tâm huyết để hỗ trợ về mặt bằng, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có thể giới thiệu rộng rãi sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Được biết, đến nay, trung tâm đã có một số tổ chức, cá nhân liên hệ, đăng ký quảng bá nông sản, sản phẩm làng nghề. Hội Nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Công ty cổ phần Hội chợ và Xúc tiến thương mại chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm ra mắt và đưa vào hoạt động chính thức vào cuối năm nay.
http://danviet.vn/nha-nong/bat-tay-voi-doanh-nghiep-quang-ba-dac-san-cho-nong-dan-lam-giau-994048.html