Bí quyết nuôi bồ câu lãi 250 triệu đồng/năm ở quê lúa Thái Bình

Bí quyết nuôi bồ câu lãi 250 triệu đồng/năm ở quê lúa Thái Bình
Gần bảy năm gắn bó với đàn bồ câu, ông Long đã trở thành tấm gương điển hình, làm giàu trên cánh đồng chiêm trũng ở quê lúa Thái Bình.
09-13-34_long_1
Ông Long bên đàn bồ câu của gia đình

Yêu lao động, chịu khó học hỏi kinh nghiệm nên ông Đào Đức Long (62 tuổi) ở xã Nam Cao, huyện Kiến Xương (Thái Bình) đã quyết định đầu tư nuôi chim bồ câu. Nhà gần cánh đồng, thuận nguồn thức ăn và nước uống nên ông Long nuôi theo hướng thả hoang, để chim bay nhảy tự do trong môi trường thiên nhiên. Không phục công người chăm sóc, mỗi năm đàn bồ câu cho ông Long thu lãi gần 250 triệu đồng.

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông Long cho biết có cơ ngơi thế này, ông phải tính kế lao động sản xuất nhiều năm liền mới làm nên. Hiện ông có một trại heo, một trại gà và một trại bồ câu. Riêng bồ câu, ông Long rât tâm đắc. Nhấp ly trà, ông kể trước đây mình từng làm lò vôi và vận chuyển vật liệu xây dựng nhưng kinh tế cũng chỉ bình thường, làng nhàng nuôi con ăn học. Năm 2012, ông ngưng làm vôi rồi chuyển hướng sang chăn nuôi. Ông nhắm đến con chim bồ câu vì đây là thực phẩm sạch, bổ, nhiều người ưa thích. Nghĩ vậy nên ông Long sang Hưng Yên để học hỏi mô hình.

Sau đó ông về gom vốn xây dựng chuồng trại kiên cố bằng gạch, mỗi ổ rộng chừng 40 x 40cm và mua 100 cặp bồ câu giống để nuôi. Từ đó ông Long nhân rộng đàn, đến nay trại của ông có 1.000 cặp bồ câu bố mẹ. Mỗi tháng xuất ra thị trường hơn 600 cặp chim thương phẩm, với giá bán 100 ngàn đồng/cặp, doanh thu 60 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản chi phí cho thức ăn, thuốc thú y, ông Long thu lời được 20 triệu đồng/tháng.

Theo ông Long, nuôi bồ câu phải ở xa khu dân cư, chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát. Đặc điểm của loài bồ câu là chim bố mẹ rất khỏe, ít bị bệnh, mỗi cặp trống mái có thể sinh sản trong vòng 10 năm mới phải thay giống. Mặt khác chim có thể tự tìm mồi nên lượng thức ăn đầu tư cho chim sẽ giảm.

Để tăng khả năng sinh sản cho đàn chim, ông Long đầu tư hai máy ấp trứng. Khi chim non nở, ông đưa ba chim non vào để một cặp bố mẹ chăm sóc. Trung bình cứ 1.000 cặp chim non thì sẽ để 600 cặp bố mẹ chăm sóc, 400 cặp còn lại sẽ tiếp tục sinh sản xoay vòng liên tục. Chính vì vậy trại chim lúc nào cũng có chim non, chim ra ràng và chim đang đẻ. Việc tiêu thụ được thương lái đến tận nhà thu mua. Vào dịp cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, trại chim không đủ cung ứng cho thị trường.

09-13-34_long_2
Máy ấp trứng bồ câu

Là mô hình chăn nuôi hiệu quả nên trại chim bồ câu của ông Long được nhiều người biết đến. Nhiều nông dân ở các xã lân cận như Thanh Tân, Hồng Thái cũng đến học hỏi kinh nghiệm. Ông Long cho biết ngoài chim thương phẩm, ông còn bán chim giống ra thị trường cho nông dân vùng phụ cận. Ai có nhu cầu mở trại hoặc nuôi thử nghiệm ông đều truyền đạt kinh nghiệm hết mình.

Bồ câu thích hợp nuôi ở khu vực ven các cánh đồng, gần bờ sông. Đặc biệt việc phòng bệnh cần phải được đề cao. Khi có dấu hiệu chim bị bệnh phải tách đàn chữa trị kịp thời, tránh lây lan. Tuy vậy, ông Long cũng chia sẻ thêm, cái khó của nuôi bồ câu là khi chúng bị bệnh, chỉ có thể phòng đường thức ăn, nước uống thì hầu như không thể. Đây là lý do không phải ai cũng có thể gây đàn, nhân đàn dù ở gần đồng ruộng và sông nước.

Bằng sự cần cù chịu khó, ông Long đã gây dựng thành công đàn bồ câu ngay trong khuôn viên nhà mình. Bên cạnh đó ông còn nuôi gà thả vườn, vịt đẻ trứng để tăng thêm thu nhập. Kinh tế gia đình ổn định, ông đầu tư cho các con ăn học và có việc làm ổn định.

Bí kíp để thành công như ngày nay, ông Long khẳng định mình phải vững vàng đối đầu với hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại. Muốn làm được điều này, phải không ngừng học học kinh nghiệm từ nhiều nguồn như ti vi, sách báo, mạng internet và tham quan thực tế để học hỏi, chia sẻ với các trại lớn...
 
Theo nongnghiep.vn