Bộ NN-PTNT tham gia ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Hội nghị tham gia ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì diễn ra vào chiều 11/3. Hơn 100 đại biểu của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đã về tham dự và đóng góp ý kiến.


Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì hội nghị

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: "Bộ NN-PTNT xác định việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được ưu tiên và tập trung chỉ đạo, coi đây là một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý của toàn ngành để phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức viên chức, người lao động trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các đại biểu cần thẳng thắn, dân chủ để đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết và có trách nhiệm với Tổ quốc với nhân dân.

Nhìn chung, các ý kiến tham gia khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này.

Những ý kiến góp ý của các đơn vị thuộc Bộ đều khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp đảm bảo tính khách quan, toàn diện và đầy đủ. Dự thảo có những nhận thức mới về nội dung cũng như cách thể hiện. Nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã đảm bảo một số nguyên tắc như: tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân được quy định đầy đủ, sâu sắc và nhất quán hơn; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có bước phát triển mới về nhận thức và cách thức thể hiện; bộ máy Nhà nước được tiếp tục đổi mới theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân và các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường được thể hiện một cách khái quát, mang tính định hướng cho sự phát triển.

Các ý kiến góp ý đều khẳng định Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính ổn định cao nên kỹ thuật lập hiến cần được đặc biệt quan tâm. Để đảm bảo Hiến pháp có tính ổn định lâu dài thì Dự thảo sửa đổi chỉ nên quy định những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc và được thể hiện khái quát, cô đọng, súc tích. Những vấn đề về vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan Nhà nước cần được quy định rõ trong Hiến pháp, còn quy trình, thủ tục, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ quyền hạn thì nên để luật điều chỉnh.

Về quy định: "Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" (điều 2). Các ý kiến góp ý đều nhất trí với quy định tại điều này. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ ở nước ta (sửa đổi bổ sung năm 2011) đã xác định kiểm soát quyền lực Nhà nước là một nguyên tắc quyền lực Nhà nước ở nước ta. Kiểm soát quyền lực Nhà nước đòi hỏi phải hình thành cơ cấu bao gồm kiểm soát quyền lực Nhà nước ở bên trong bộ máy Nhà nước giữa 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp và trong nội bộ mỗi quyền và kiểm soát quyền lực Nhà nước ở bên ngoài bao gồm kiểm soát nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Các quy định của điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về kiểm soát quyền lực Nhà nước không những thừa nhận thành một nguyên tắc tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước mà còn quy định ở các điều khoản về sự lãnh đạo của Đảng (điều 4), về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (điều 9), về công đoàn (điều 10) và các điều trong chương về tổ chức bộ máy Nhà nước. Đặc biệt, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung 1 chương mới với tư cách là các thiết chế độc lập mang tính chất là cơ quan chuyên môn góp phần thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực Nhà nước như Hội đồng Hiến pháp, Kiểm toán nhà nước….

Quy định tại điều 4 về Đảng Cộng sản Việt Nam. Các ý kiến góp ý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các đơn vị thuộc Bộ nhất trí cao với việc giữ lại nội dung điều 4 tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này. Hiến pháp đòi hỏi phải ghi nhận sự hài hoà dân tộc giữa các giai cấp, các tầng lớp và các lực lượng xã hội, do đó Hiến pháp không thể chỉ ghi nhận lợi ích của giai cấp cầm quyền mà còn phải thể hiện lợi ích của các lực lượng, các tầng lớp dân cư trong xã hội. Bản chất giai cấp của Nhà nước thể hiện sâu sắc ở lực lượng giữ vị trí lãnh đạo nhà nước. Lực lượng đó trong Hiến pháp được thể hiện tập trung và đầy đủ trong điều 4. Điều này đã được chứng minh trong quá xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam trong suốt 83 năm qua.

Về quy định sở hữu đất đai tại điều 57 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Các ý kiến góp ý cơ bản nhất trí với nội dung các quy định này. Bởi sở hữu toàn dân về đất đai là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thay mặt toàn dân quản lý và phân bổ đất đai, đảm bảo điều tiết quá trình phân phối địa tô phù hợp với sở hữu toàn dân, bảo đảm công bằng, ngăn ngừa khả năng để một số ít người chiếm dụng phần lớn đất đai một cách bất hợp lý, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận bình đẳng và trực tiếp đối với đất đai và xóa bỏ tình trạng một nhóm người dùng độc quyền sở hữu đất đai để bóc lột người sử dụng đất.

Việc quy định sở hữu toàn dân về đất đai cũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam là một nước nông nghiệp có khoảng 70% là nông dân, bình quân về đất sản xuất canh tác trên đầu người của Việt Nam thuộc vào loại thấp nhất thế giới nên đất đai có một vị trí rất quan trọng trên nhiều phương diện chính trị, kinh tế, xã hội.

Về quy định tại điều 70 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến góp ý đều đồng tình với quy định "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế".

Bởi lực lượng vũ trang do Đảng và Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, mục tiêu là bảo vệ Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ quyền, lợi ích dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, lực lượng vũ trang đã được nhân dân cả nước đùm bọc, che chở để làm nên những chiến thắng thần kỳ. Hiện nay diễn biến tình hình thế giới rất phức tạp, do vậy lực lượng vũ trang nhân dân cần phải được tăng cường và củng cố hơn nữa, sát cánh cùng với Đảng và nhân dân cả nước bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như các lợi ích của dân tộc. Lực lượng vũ trang không thể tách rời khỏi sự lãnh đạo của Đảng mà phải có trách nhiệm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng mà bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu mới có được.

Về một số điều, khoản khác trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng được các đại biểu phân tích khá kỹ lưỡng. Về cơ bản thì các ý kiến đồng tình với bản Dự thảo đưa ra, chỉ có một số kỹ thuật về câu, từ đề nghị được xem xét. Các ý kiến đó đều được lãnh đạo Bộ NN- PTNT tiếp thu và tổng hợp đầy đủ để báo cáo Chính phủ và ban soạn thảo Dự thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi.

Theo nongnghiep.vn