Bộ Nông nghiệp phải mạnh mẽ hơn để bảo vệ nông dân

Bộ Nông nghiệp phải mạnh mẽ hơn để bảo vệ nông dân
Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận mục tiêu để người trồng lúa có lãi 30% rất khó thực hiện.
 

“Tôi thấy bộ trưởng còn hiền quá, tiếng nói còn nhẹ quá. Tôi muốn bộ trưởng phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để đưa ra những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân vốn đang phải chịu cảnh “lỗ kép””- đại biểu Trần Hoàng Ngân đã góp ý Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát như vậy trong phiên chất vấn bộ này chiều 12-6.

Ông Phát cũng là thành viên đầu tiên trong Chính phủ đăng đàn để trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Vấn đề đặt ra đối với bộ này là công tác quản lý nhà nước đối với giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp…

Nông dân đang “lỗ kép”

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong tình hình hiện nay, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp “có giải pháp nào đột phá nhất, mới nhất để nông nghiệp phát triển bền vững, nông dân thoát nghèo và yên tâm sản xuất trên mảnh đất của mình?”.

Trả lời cho câu hỏi trên, ông Phát cho hay nguyên nhân chính hiện nay là do tình hình kinh tế khó khăn. “Hiện lúa đang chín đầy đồng từ Bắc tới Nam, rồi trái cây, dưa hấu, heo, gà, cá tra cũng nhiều… Nhưng do thị trường khó khăn, giá xuống thấp nên thu nhập của nông dân cũng giảm”. Và để tháo gỡ khó khăn trên, theo ông Phát, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) mua cấp tốc tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo, nhờ đó giá lúa đã nhích dần lên. “Bộ đang xây dựng đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp với rất nhiều giải pháp như hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu để tiêu thụ các loại nông sản; chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến giống cây trồng để nâng cao giá trị và năng suất” - ông Phát cho hay.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Không hài lòng với phần trả lời này, ông Ngân cho rằng: “Các giải pháp đó còn hiền quá!”. Ông nêu ví dụ khi bất động sản có dấu hiệu trầm lắng, tồn kho thì Bộ Xây dựng liên tiếp tổ chức hội thảo để kiến nghị các giải pháp. “Tôi muốn bộ trưởng phải có tiếng nói mạnh mẽ để có những giải pháp bảo vệ nông dân, tháo gỡ khó khăn cho nông dân” - ông Ngân nêu đề nghị.

Có nhóm lợi ích thao túng?

Đề cập vấn đề “sản xuất, thu mua lúa gạo”, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho hay lâu nay vẫn thường xuyên xảy ra chuyện “DN nói đã mua hết, còn nông dân bảo chưa thấy mua”. “Vừa rồi Thủ tướng quyết định hỗ trợ vốn cho DN mua tạm trữ lúa gạo. Nhưng sự hỗ trợ này chủ yếu có lợi cho DN. Bộ trưởng có giải pháp gì để đem lại lợi ích cho nông dân, giúp nông dân an tâm sản xuất?”.

Đáp lại, ông Phát cho rằng không thể có một chương trình nào đáp ứng và phù hợp được với tất cả địa phương. Bởi nhiều khi nơi này đang thu hoạch rộ thì nơi kia mới bắt đầu gieo hạt. Hơn nữa, việc mua tạm trữ chỉ là biện pháp hỗ trợ, giữ cho giá lúa gạo không xuống chứ không phải là bao tiêu cho nông dân… Dù vậy, ông Phát cũng thừa nhận mục tiêu để người trồng lúa có lãi 30% rất khó thực hiện. Hiện nay, chi phí sản xuất 1 kg lúa khoảng 4.200 đồng, để đạt được mức có lãi 30% thì giá lúa tại ruộng phải rơi vào khoảng 5.400 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế giá lúa tại ruộng hiện nay chỉ có từ 4.450 đến 4.850 đồng/kg nên nông dân chưa có lãi.

Trước câu trả lời trên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhắc lại trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ là “chính sách mua tạm trữ lúa gạo còn nhiều bức xúc, tình trạng ép giá vẫn diễn ra phổ biến, hễ được mùa là mất giá và nông dân luôn thiệt thòi”. Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu thắc mắc: “Tại sao khi nông dân bán thì DN không mua tạm trữ, lúc bán hết lúa rồi mới lại mua?”. Đại biểu Y Thông (Phú Yên) cũng chất vấn: “Nông dân hiện nay rất khó khăn, sản xuất không đủ bù đắp vào chi phí. Nhưng vì sao người tiêu dùng mua các sản phẩm nông nghiệp vẫn không rẻ chút nào, thậm chí giá còn rất cao. Phải chăng có nhóm lợi ích nào thao túng trong chuyện này?”.

Toàn bộ những câu hỏi trên sẽ được Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời tiếp trong phiên chất vấn sáng nay (13-6).

Không làm rõ, dân xài hàng giả mãi

Trả lời về tình trạng phân bón giả tràn lan, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết theo quy định hiện hành, phân bón hữu cơ do Bộ Công Thương quản lý, còn Bộ Nông nghiệp chỉ quản lý phân hữu cơ và vi sinh. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận sự “nhức nhối” về tình trạng hàng giả nhưng cho hay lỗi do các quy định của pháp luật chưa phù hợp và chế tài xử phạt chưa đủ răn đe.

Cùng chung ý kiến với ông Hoàng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng do chế tài xử phạt còn nhẹ nên nhiều đơn vị không sợ, cố tình vi phạm. “Bộ đang kiến nghị xây dựng hệ thống các đơn vị kiểm tra chất lượng sản phẩm ở các tỉnh, thành nhưng do khó khăn của nền kinh tế nên chưa có được nguồn vốn để làm” - ông Quân nói.

Nghe xong phần trả lời trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thảng thốt: “Nghe bộ trưởng nói tôi thấy rất đáng lo. Hàng hóa nào cũng phải được kiểm tra chất lượng. Nếu chúng ta không làm rõ sai trái, thật hay giả thì dân chúng ta sẽ phải xài hàng giả mãi thôi!”.

Nhiều lời hứa thực hiện chậm

Báo cáo việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay Chính phủ đã nghiêm túc triển khai. Đến nay, nhiều việc đã đạt được kết quả tích cực như giãn, hoãn, miễn, giảm thuế cho DN; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát cơ bản tình trạng nhập khẩu gia cầm trái phép; giảm lãi suất... Tuy nhiên, một số việc triển khai còn chậm, cần tiếp tục tập trung trong thời gian tới như: Hỗ trợ các DN còn nhiều khó khăn; hỗ trợ di dân tái định cư; phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội; xử lý nợ xấu; quá tải bệnh viện.

THÀNH VĂN
Theo phapluattp.vn