Bố trí kinh phí phòng chống dịch bệnh thủy sản 2015

Để triển khai có hiệu quả việc phòng, chống dịch bệnh thủy sản, giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản từ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch và bố trí kinh phí phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2015.
Bố trí kinh phí phòng chống dịch bệnh thủy sản 2015

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2014, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,3 triệu tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 3,6 triệu tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng 18% so với năm 2013 góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế của cả nước và đem lại nhiều lợi nhuận cho người dân.

Tuy nhiên tình hình dịch bệnh thủy sản vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, cả nước có tới gần 60.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại (chiếm 8,75% diện tích nuôi); bệnh trên tôm hùm xuất hiện tại 15.000 lồng; bệnh trên cá tra xuất hiện ở 1.500 ha; tổng số trên 1.000 ha diện tích nuôi ngao bị thiệt hại… Một số loại dịch bệnh gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng của người nuôi và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản của nước ta. Một trong những nguyên nhân chủ quan là do nhiều địa phương không có kế hoạch và chưa bố trí đủ kinh phí để triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Năm 2015, tính đến ngày 25/2 cả nước có 17/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản và bố trí gần 39 tỷ đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Hiện tại còn nhiều địa phương chưa có kế hoạch hoặc chưa bố trí kinh phí, kinh phí rất thấp không đủ triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh thủy sản.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rút kinh nghiệm trong 2 năm 2013-2014 cho thấy, những địa phương nào có kế hoạch và bố trí kinh phí để chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản thì không có dịch bệnh hoặc có dịch bệnh nhưng ở phạm vi nhỏ lẻ, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và tổn thất về kinh tế của người nuôi và ngân sách nhà nước do dịch bệnh gây ra ít hơn so với các tỉnh không có kế hoạch, không bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí quá ít.

Do vậy, để triển khai có hiệu quả việc phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo quy định, giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản từ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố chưa xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2015, căn cứ vào tình hình nuôi trồng thủy sản và tình hình dịch bệnh thủy sản của địa phương, khẩn trương xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2015 theo quy định; gửi bản kế hoạch đã được phê duyệt về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31/3/2015.

Đối với các tỉnh, thành phố đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2015 nhưng chưa bố trí kinh phí cần khẩn trương cấp kinh phí để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các tỉnh đã có kế hoạch và bố trí kinh phí để chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2015 gồm: Tỉnh Quảng Ninh (hơn 14 tỷ đồng); tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế (hơn 1 tỷ đồng); tỉnh Phú Yên, tỉnh Bến Tre (hơn 2 tỷ đồng); tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (hơn 1,6 tỷ đồng); tỉnh Cà Mau (gần 5 tỷ đồng)…

Lan Phương
theo chinhphu