Bộ trưởng Cao Đức Phát: Cần thay đổi tư duy đầu tư thủy lợi
- Thứ năm - 13/02/2014 21:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khai thác dư địa từ thủy lợi
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cùng với Đề án tái cơ cấu ngành, sản xuất nông nghiệp sẽ tập trung phát triển những sản phẩm lợi thế như lúa gạo, cà phê, chè, rau quả, cao su, thủy sản và sẽ chấp nhận nhập khẩu để loại bỏ hoàn toàn những sản phẩm không có lợi thế như thuốc lá…
Tuy nhiên, thay đổi chiến lược phát triển nông nghiệp cần phải đồng bộ với đổi mới đầu tư thủy lợi bởi từ trước tới nay thủy lợi vẫn chủ yếu chỉ phục vụ cây lúa mà chưa chú ý đến hệ thống thủy lợi phục vụ cho các cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao như mía, cà phê, chè, hạt điều, cao su…
Kiên cố hóa kênh mương ở xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý
Năm qua, Việt Nam xuất khẩu nửa tỉ USD rau quả trong đó chủ yếu là thanh long, các sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra cũng mang lại kim ngạch hàng tỉ USD nhưng chúng ta chưa làm thủy lợi cho nuôi thủy sản và cây công nghiệp. Thực tế cho thấy, nếu có đủ nước tưới năng suất của các loại cây trồng này có thể tăng thêm từ 30 - 50%, trong khi rất khó có thể trông chờ những đột phá công nghệ để tăng năng suất từ nghiên cứu giống thì thủy lợi đang nắm giữ một dư địa rất lớn mang lại năng suất, cũng như hiệu quả kinh tế cao.
Đơn cử một ví dụ như việc công ty Hoàng Anh Gia Lai áp dụng tưới cho vườn cao su trồng tại Lào đã khiến cho năng suất của cây tăng vọt, vượt trội so với các vườn cao su trong khu vực. Cty Nestle áp dụng kĩ thuật tưới mới đã giảm phát thải tới 2,6%. Như vậy vấn đề của đầu tư thủy lợi là phải gắn với thủy sản, gắn với những cây trồng mũi nhọn, nghiên cứu kĩ thuật tưới sao cho đạt mức chi phí thấp nhất, đem lại hiệu quả cao nhất.
“Tôm ở vùng Kiên Giang sử dụng nguồn nước tiêu thoát ra biển vậy mà ở đó đang là vựa tôm. Ngành cá tra sử dụng 1,5 triệu m3 nước mỗi vụ nhưng thủy lợi chưa có tác động nào? Chúng ta cần phải thay đổi tư duy, thay đổi phương pháp tiếp cận trong đầu tư các công trình thủy lợi”, Bộ trưởng nói.
Do đó, nhằm phát huy thế mạnh của ngành, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Tổng cục Thủy lợi khẩn trương hoàn thành Đề án tái cơ cấu trong tháng 2/2014 để phối hợp với chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, tạo sức chuyển biến đồng bộ của hệ thống. Thủy lợi cũng cần phải gắn với xây dựng nông thôn mới, làm rõ tiến bộ kĩ thuật đưa vào thủy lợi để nâng cao chất lượng các công trình phục vụ nông thôn, miền núi, giảm thiểu chi phí đầu tư bảo dưỡng.
Bộ trưởng gợi ý: “Các đồng chí cần quan tâm đến các ứng dụng KHKT để giảm chi phí đặc biệt trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Ở miền núi, chúng ta có thể sử dụng đường ống chạy thẳng vừa không phải xây mương vòng vèo theo triền núi tốn kém vừa không lo bị sạt lở, bồi đắp. Ngoài ra, công trình thủy lợi nên sử dụng bê tông đúc sẵn, chi phí sẽ giảm đi một nửa”.
Báo cáo công tác thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, Đề án tái cơ cấu đã được Tổng cục Thủy lợi xây dựng và sẽ trình lên Bộ trưởng trong tháng 2. Về chủ trương đầu tư công trình thủy lợi phục vụ thủy sản và nhóm cây trồng trên cạn, trong thời gian qua, Tổng cục cũng đã tiến hành rà soát, phân vùng và tính toán nhu cầu cấp nước ngọt, nước mặn của những loài thủy sản mũi nhọn.
Riêng đối với thủy lợi phục vụ chuyển đổi cây trồng đang vướng mắc với các địa phương bởi muốn dân chuyển đổi phải lo được đầu ra cho sản phẩm. Nhưng ở các vùng khó lấy nước như Văn Giang, Văn Lâm của Hưng Yên, Quế Võ của Bắc Ninh vẫn phải chấp nhận xả nước gấp 2 lần để đảm bảo sản xuất vì dân không chuyển đổi cây trồng.
Chương trình thủy nông cơ sở gắn với xây dựng NTM cũng đã được khởi động từ Đề án nâng cao hiệu quả tưới, thông qua đó Tổng cục Thủy lợi đã xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ thủy nông cơ sở, xây dựng giáo trình, khung chương trình đào tạo tổng thể. Cũng theo ông Tỉnh, hoạt động này đã được thực hiện từ trước Tết tại Hà Tĩnh và theo kế hoạch trong năm 2014 sẽ tiếp tục triển khai tại 10 tỉnh miền Trung.
Ứng dụng khoa học công nghệ
Việc đảm bảo an toàn hồ chứa đã được đưa vào Nghị quyết Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và phải làm được bằng mọi giá nhưng điểm mấu chốt, lâu dài trong công tác bảo đảm an toàn hồ chứa và phòng chống thiên tai là phải biết ứng dụng KHCN.
Theo Bộ trưởng thì hiện nay công tác phòng chống thiên tai của chúng ta đang ở điểm “mù” bởi thiếu hẳn việc áp dụng khoa học. Nêu rõ thực trạng các cơ quan phòng chống lụt bão chỉ đạo phòng chống lũ mà không biết mưa ở đâu, lũ đến lúc nào và chỉ đến khi người dân ngồi trên mái nhà rồi mới hô hào nhau đến cứu trợ, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy lợi phải rà soát lại bản đồ hệ thống các vùng ngập lụt, tổng kết các điểm lũ lụt gây thiệt hại nhiều trong những năm gần đây.
Đặc biệt phải quan tâm đến việc áp dụng công nghệ viễn thám vào hoạt động chống lũ, đầu tư công nghệ tự động theo dõi mực nước ở các hồ chứa, xây dựng phần mềm phân tích cảnh báo lũ. Áp dụng KHCN sẽ giúp phân tích các tình huống mà mưa lũ có thể gây ra trong vùng hạ lưu, ví dụ như mưa 300 - 500 mm sẽ tác động đến từng vùng ra sao.
“Khoa học cho phép chúng ta ngồi ở NewYork để điều tiết cống ở Hà Nam, Hưng Yên vậy tại sao chúng ta không làm? Nếu sử dụng công nghệ 1.000 USD/ha thì hoàn toàn có thể đầu tư cho 1 triệu ha để tiết kiệm nước, tăng trưởng 30% năng suất và giảm phát thải môi trường…”. Tương tự, trong công nghệ viễn thám, Bộ trưởng cho biết hàng ngày vệ tinh của Mỹ vẫn chụp ảnh Việt Nam 4 lần và cho phép chúng ta sử dụng miễn phí. Nay, Việt Nam đã có hai vệ tinh để sử dụng vậy không có lý do gì mà chúng ta không tận dụng triệt để công nghệ này để phòng chống thiên tai cho hiệu quả.
Chương trình nước sạch nông thôn còn nhiều bất cập, trên 6% công trình không hoạt động và 25% công trình hoạt động không hiệu quả. Điều đó đồng nghĩa với việc cứ 4 công trình xây dựng có ít nhất 1 công trình hoạt động không hiệu quả. Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương xác định nguyên nhân và trình giải pháp khắc phục. Trong thời hạn 2 tháng Tổng cục Thủy lợi phải có báo cáo với Bộ trưởng. |