“Bức tranh” kinh tế 2013 ảm đạm
- Thứ ba - 14/05/2013 20:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các thành viên ủy ban đều đồng tình rằng, bức tranh kinh tế năm 2013 sẽ có nhiều gam màu xám.
Nhiều khả năng hụt thu ngân sách
Báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội năm 2013 của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các nỗ lực và kết quả tích cực đạt được ban đầu vẫn chưa bảo đảm chuyển xu thế tốt hơn; tăng trưởng kinh tế sẽ rất khó khăn trong năm nay với những dấu hiệu chỉ báo tình trạng suy giảm đang rõ nét hơn. GDP quý I/2013 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 4,75% của quý I/2012, nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn rất nhiều so với quý I/2011 (tăng 5,53%) và quý I/2010 (tăng 5,84%)...
Tốc độ tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm rất thấp. |
Đặc biệt, tăng trưởng dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03% và đạt 1,4% trong 4 tháng đầu năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2013 chỉ tăng 4,9%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (5,9%) phản ánh khả năng hấp thụ vốn và năng lực sản xuất của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Từ cuối tháng 2.2013, NHNN đã tiến hành đấu thầu vàng miếng để ổn định thị trường vàng, với kết quả ban đầu nhưng còn nhiều luồng ý kiến khác nhau khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao và thông tin về định hướng chính sách chưa kịp thời tác động đến tâm lý xã hội” - báo cáo thẩm tra đánh giá.
Cuối ngày 14.5, UBTVQH đã biểu quyết thông qua tờ trình của Chính phủ về giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách các cấp năm 2012 với nhiều giải pháp xử lý nhằm đảm bảo cân đối ngân sách. Trên cơ sở các giải pháp này, theo tính toán, năm 2012 việc cân đối ngân sách địa phương đã cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên cân đối ngân sách T.Ư vẫn còn rất khó khăn do chưa bố trí được nguồn để xử lý gần 40.000 tỷ đồng nợ đọng. Trong đó, nợ Quỹ Hoàn thuế giá trị gia tăng 33.500 tỷ đồng, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội khoảng 6.260 tỷ đồng. |
Bên cạnh đó, cũng chưa thể đánh giá hết tác động không thuận từ việc áp dụng các biện pháp miễn, giảm, dãn thuế (từ năm 2009 đến nay và cho một vài năm tới theo đề nghị của Chính phủ tại kỳ họp thứ năm này) như hiệu quả kinh tế đem lại, tác động giảm thu NSNN và công tác quản lý, điều hành.
Trước tình hình trên, nhiều ý kiến trong Ủy ban cảnh báo về khả năng hụt thu NSNN và đề nghị Chính phủ theo dõi sát tình hình thực tế, biến động sản xuất, kinh doanh và số thu NSNN để lường trước khả năng hụt thu NSNN, đồng thời có biện pháp điều hành thu, chi NSNN bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, sớm có biện pháp tích cực đôn đốc thu NSNN, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư của NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, đi đôi với việc cắt, giảm chi thường xuyên hợp lý. Trường hợp hụt thu lớn cần báo cáo Quốc hội điều chỉnh dự toán NSNN theo quy định của Luật NSNN...
“Lãng phí ngay trong chủ trương”
Cho ý kiến về các bản báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: Các báo cáo cho thấy tình hình hết sức khó khăn, có nhiều dấu hiệu nghiêm trọng hơn cả những năm trước. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm chỉ đạt 1,44% là rất thấp, trong khi mức huy động tín dụng tới 5%. Rõ ràng có sự mất cân đối, biểu hiện sự hấp thụ vốn tín dụng của các doanh nghiệp còn rất yếu.
Dự họp với tư cách khách mời, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đóng góp ý kiến: “Chúng ta đang thấy rõ một bức tranh hết sức khó khăn của nền kinh tế trong năm 2013. Theo tôi, vấn đề chúng ta cần tập trung xử lý chính là chính sách tiền tệ.
Dư nợ tín dụng hơn 1% trong khi nguồn huy động là 5%, có nghĩa là đang đóng băng tín dụng rồi. Cứ “đóng băng” thế này thì sản xuất ngừng trệ, doanh nghiệp lao đao, phá sản. Chúng ta phải mạnh dạn khoanh nợ, dãn nợ cho các doanh nghiệp, gỡ khó cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải rà soát lại tất cả các dự án đầu tư hiện nay để có một ứng xử tốt và hiệu quả hơn. Tôi không dám nói là chúng ta đang điều hành nền kinh tế giật cục, nhưng các chuyên gia đã nói thế rồi đấy”.
Giải pháp tiếp theo mà Phó Chủ tịch nước nêu ra là phải kiên quyết thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí. “Tại kỳ họp trước, các đại biểu Quốc hội nêu nhiều về vấn đề lãng phí trong các chương trình mục tiêu quốc gia. 16 chương trình chồng chéo nhau, liệu chúng ta có mạnh dạn xóa bỏ những cái chồng chéo để tiết kiệm không? Đây là sự lãng phí ngay trong chính chủ trương vì Quốc hội đã biểu quyết thông qua 16 chương trình mục tiêu quốc gia” - Phó Chủ tịch nước nêu quan điểm.
Theo danviet.vn