Bước tiến xử lý rác sinh hoạt
- Thứ năm - 09/10/2014 06:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lãnh đạo TP Hà Nội và Cty Thăng Long cắt băng khánh thành và gắn biển công trình NM xử lý chất thải Sơn Tây
Việc đưa NM có vốn đầu tư trên 160 tỷ đồng với công suất xử lý rác thải sinh hoạt 400 tấn/ngày đi vào hoạt động là bước đột phá trong công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn Thủ đô.
Theo Sở TN-MT Hà Nội, lượng chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày ở Thủ đô lên tới trên 5.000 tấn và công nghệ xử lý rác chủ yếu là chôn lấp với khối lượng 3.700 tấn/ngày (công nghệ đốt, sinh học đang thực hiện với khối lượng 600 - 700 tấn thu gom/ngày).
Việc chôn lấp rác, xét về mặt kinh tế tiết kiệm chi phí nhất, song hệ lụy lại vô cùng lớn khi qũy đất của Hà Nội hạn chế và nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất cao.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc quy hoạch, xây dựng các NM phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, năm 2008 UBND TP Hà Nội giao Cty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long nghiên cứu công nghệ xử lý rác bằng công nghệ mới nhằm giảm việc chôn lấp.
Sau 2 năm vừa nghiên cứu lý thuyết, vừa thực nghiệm công nghệ từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn đối với thành phần rác, phương thức thu gom rác thực tế của Hà Nội, đơn vị đã hoàn thành công trình nghiên cứu “Công nghệ đốt rác có thu hồi nhiệt”.
"Nhu cầu xử lý rác thải ở Hà Nội là rất lớn, đòi hỏi nguồn lực đầu tư cao nên ngay một lúc nguồn ngân sách không thể đáp ứng được. Từ khi có chủ trương xã hội hóa, với sự tham gia của các DN, công tác vệ sinh môi trường có bước chuyển biến tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội tự tin đặt hàng, đấu thầu triển khai các nhà máy xử lý chất thải khác nhằm đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển của Thủ đô",ông Vũ Hồng Khanh. |
Theo ông Nguyễn Phúc Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long, công nghệ đốt rác có thu hồi nhiệt là công nghệ trong nước lần đầu tiên áp dụng ở quy mô công nghiệp nên lúc đầu gặp những vướng mắc, khó khăn do đặc thù rác của Việt Nam khiến các dây chuyền, máy móc hiện địa của nước ngoài khó áp dụng được.
Song nhờ khả năng làm chủ từ khâu nghiên cứu lý thuyết đến thiết kế thiết bị, nhà xưởng, chế tạo, lắp đặt, vận hành… các kỹ sư, chuyên gia của Cty Thăng Long nhanh chóng tìm ra các giải pháp công nghệ bổ sung, thay thế các vật liệu mới chống ăn mòn, chịu được nhiệt độ cao.
Mục đích nhằm cải tạo dây chuyền xử lý rác, tăng dần công suất hữu dụng từ 75% trong năm thứ nhất (2012) lên 80% vào năm thứ 2 (2013), đến nay đã xử lý được trên 250.000 tấn rác, đạt 83% công suất thiết kế và đạt các tiêu chuẩn môi trường.
Song song với việc thiết kế cải tạo thiết bị dây chuyền xử lý rác thế hệ 1, Cty Thăng Long tiến hành nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ và thiết kế thiết bị thế hệ 2 để báo cáo TP Hà Nội cho phép đầu tư giai đoạn 2 dây chuyền xử lý rác mới có công suất 400 tấn/ngày với nhiều cải tiến ưu việt hơn giúp tiết kiệm diện tích, năng lượng, đồng thời khép kín quá trình xử lý, kiểm soát hoàn toàn ô nhiễm thứ cấp.
Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô mang ý nghĩa rất to lớn trong việc thúc đẩy các DN tham gia vào công tác xã hội hóa vệ sinh môi trường.
Tham dự lễ cắt băng khánh thành và gắn biển công trình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh tầm quan trọng của NM xử lý chất thải Sơn Tây, bởi đây là công trình áp dụng TBKT của thế giới, được xây dựng theo hình thức xã hội hóa có quy mô và công suất lớn nhất Hà Nội.
Đại Từ
Theo nongnghiep.vn