CSA mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ dân nông thôn
- Thứ hai - 02/01/2017 03:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhờ hệ thống lưới cước do SRDP tài trợ, nhiều hộ trồng cam bảo vệ được thành quả sản xuất khỏi sâu bệnh phá hại.
Trước mùa thu hoạch năm nay, các loài côn trùng như: bướm, bọ xít, ruồi vàng không còn cơ hội “đột nhập” vào vườn cam của các thành viên tổ hợp tác (THT) trồng cây ăn quả tại thôn 5, xã Hương Thọ (Vũ Quang). Bởi phần lớn diện tích đã được bảo vệ bằng hệ thống lưới cước do SRDP (dự án Phát triển nông thôn bền vững cho người nghèo) tài trợ. Anh Lê Hoàng Long - thành viên THT phấn khởi chia sẻ: “Giờ đây, vợ chồng tôi đã thoát được cảnh cứ gần mùa thu hoạch lại phải chong đèn, thức trắng đêm để canh côn trùng...”.
Cũng nhờ SRDP kết nối nên mối quan hệ mật thiết giữa Công ty Thực phẩm Nghệ An (Nasfoods) với các hộ dân xã Tân Hương (Đức Thọ) được thiết lập. Theo anh Trần Đức Lý - cán bộ dự án SRDP phụ trách huyện Đức Thọ: “24 hộ dân xã Tân Hương đã và đang có nguồn thu nhập khá nhờ mô hình chanh leo được triển khai từ năm 2015 lại nay”.
Hai mô hình với những con số “biết nói” chỉ là phần nhỏ trong tổng số 78 mô hình CSA được SRDP thực hiện có tổng số vốn đầu tư 1,66 triệu USD. Trong đó, SRDP tài trợ trung bình 40%, còn lại là đóng góp của các thành viên THT, HTX. Đề cập về hiệu quả của những “tiểu” dự án có mức hỗ trợ bình quân 200 triệu/CSA, ông Henning Pedersen - Giám đốc Chương trình quốc gia IFAD tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị giữa kỳ nhấn mạnh: “Hầu hết các dự án đều đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhất là những người nghèo. Đăc biệt, nhiều mô hình có sức lan tỏa cao như mô hình trồng nấm, trồng cỏ VA06…”.
Không đơn thuần là hỗ trợ kinh phí để xây nhà tránh lũ cho bò tại vùng thường xuyên bị ngập úng; xây dựng hệ thống tưới tại vùng bị khô hạn cho các loại cây ăn quả… mà quan trọng hơn, các dự án hình thành các THT, HTX (trung tâm kết nối) để phát triển các sản phẩm chủ lực của từng địa phương. Đây không chỉ là “địa chỉ” để các thành viên gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mà còn là đầu mối tiếp nhận thông tin về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trong phát triển các loài cây, các loại gia súc, gia cầm và các sản phẩm chế biến chủ lực do SRDP tổ chức.
Mục tiêu đối với các CSA là hiệu quả sau đầu tư phải ít nhất gấp đôi so với ban đầu, trong khi thời gian thực hiện chỉ kéo dài trong vòng 18 tháng. Vì vậy, lựa chọn các sản phẩm chủ lực, hoặc đặc sản tại từng địa phương là một quá trình cân nhắc kỹ. Các mô hình CSA được đầu tư vào 16 chuỗi giá trị khác nhau. Trong đó, nhiều nhất là bò thịt (chiếm tới 30%) tổng số vốn đầu tư CSA; chuỗi giá trị cam (chiếm 22%); còn lại là các chuỗi giá trị: lúa, lợn thủy sản… mỗi chuỗi chiếm khoảng 6%.
Mặc dù mới được triển khai từ năm 2015 nhưng kết quả khảo sát cho thấy, 95% hộ tham gia các hoạt động CSA thu lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trước đây. Đặc biệt, từ khi tham gia CSA, 50% trong số 1.300 hộ tham gia THT, HTX thoát khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo. CSA đã mở ra cơ hội làm giàu theo hướng bền vững đối với nhiều hộ dân vùng nông thôn.
Theo Hoài Nam/baohatinh.vn