Các tỉnh thành tăng cường xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt

Các tỉnh thành tăng cường xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt
Dù chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm nông sản Việt Nam tăng nhanh với 30 tỉnh, TP và 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận, nhưng vẫn chưa đủ làm nên sức mạnh thương hiệu nông sản Việt Nam.

Theo ThS Đào Đức Huấn, Trung tâm Phát triển Nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn), Việt Nam đã và đang thực hiện các giải pháp phát triển thương hiệu nông sản ở các địa phương theo 3 nhóm giải pháp: Xây dựng và phát triển tổng thể; thiết lập bảo hộ để bảo vệ tên gọi và từng bước phát triển hiệu quả bền vững.

Quảng Ninh và Ninh Bình là 2 địa phương được chọn xây dựng chương trình phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đến năm 2015 với công tác quy hoạch sản xuất; nghiên cứu và đánh giá; xác lập quyền bảo hộ; hỗ trợ xây dựng cộng đồng và marketing, quảng bá nhằm mục đích có 20 sản phẩm được xây dựng thương hiệu. 

Hà Nội được chọn là nơi xây dựng 11 sản phẩm bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu cộng đồng đến hết năm 2013. TP đang ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ phát triển, song hành cùng với công tác đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng thương hiệu. 

Hiện các sản phẩm như: Rau Trà quế (Quảng Nam), lợn Mường Khương (Lào Cai), đang sử dụng các nguồn lực quốc tế và địa phương để hỗ trợ nông dân trong sản xuất. 

Thực tế từ các sản phẩm trên đường xây dựng thương hiệu cho thấy, nếu như sản phẩm nhựa thông của Quảng Ninh có chất lượng chưa rõ ràng, khó cạnh tranh, sản xuất nhiều rủi ro về chất lượng, năng suất và giá bán sản phẩm thấp thì mây tre đan Phú Nghĩa (Hà Nội) từng lâm vào tình cảnh giảm sút chất lượng và uy tín. 

Tương tự, chất lượng gạo Tám xoan Hải Hậu (Nam Định) với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún và dễ thay đổi dẫn tới sản xuất bị cạnh tranh. 

Hoặc, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu đã giúp Việt Nam là 1 trong 3 nước có sản phẩm bảo hộ tại châu lục này.

Theo phân tích của các chuyên gia, thất bại của một số mô hình cho thấy, nhiều mô hình chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm và hoạt động khi có sự hỗ trợ. Nguyên nhân là do hỗ trợ mới dừng ở mức độ xác lập quyền sở hữu trí tuệ; chưa tập trung về tổ chức sản xuất và sử dụng thương hiệu. Trong khi đó, vẫn tồn tại suy nghĩ xây dựng thương hiệu chỉ là xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, giá trị nhãn hiệu cộng đồng cũng chưa được các mô hình khai thác thác do thiếu sự hỗ trợ tổng thể.

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam cần hướng theo cách tiếp cận phát triển tổng thể và toàn diện theo 5 bước. Cụ thể, quy hoạch sản xuất cần chính sách để xác định quy hoạch, ổn định và minh bạch, sản xuất được nâng cao và thúc đẩy sự cạnh tranh sản phẩm. Trong khi đó, giải pháp nghiên cứu đánh giá sản phẩm cần xác định nhu cầu bảo hộ và đánh giá được thực trạng, định hướng hỗ trợ với việc sử dụng linh hoạt các nguồn vốn; sau đó mới đến giải pháp về vốn và nguồn nhân lực, tư vấn.

Thanhtra.com.vn