Cá tra Việt Nam: Trách người cũng phải nhìn mình

Cá tra Việt Nam: Trách người cũng phải nhìn mình
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa thông báo phán quyết lần thứ 8, vụ kiện bán phá giá cá tra và basa Việt Nam vào Mỹ, áp dụng mức thuế cao trong giai đoạn 1/8/2010 - 31/7/2011. Phán quyết cuối cùng này tương tự khép cánh cửa thị trường Mỹ với cá tra và basa Việt Nam.

Vô lý

Có ba bị đơn lần đầu xuất hiện trong phán quyết này, chịu mức thuế đến 1,37 - 3,87 USD/kg. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) bị đơn phải chịu mức cao hàng chục lần so với phán quyết sơ bộ trước đây. Công ty CP Việt An (Anvifish), mức thuế cũ 0,03 USD/kg nay lên 1,34 USD/kg. Khi giá xuất vào Mỹ chỉ 2,2 - 3 USD/kg, thì mức thuế mới tương tự “khép cánh cửa thị trường Mỹ” với các DN.

Khác những lần xem xét sơ bộ, lần này là phán quyết cuối cùng; các DN Việt Nam chỉ còn con đường kiện ra Tòa án Thương mại quốc tế của Mỹ hoặc WTO, nếu muốn thay đổi kết quả. Khi chưa thay đổi, DN Việt Nam phải chấp hành, nộp thêm số thuế chênh lệch nếu còn thiếu với những lô hàng đã xuất trong giai đoạn xem xét, còn những lô hàng xuất mới phải ký quỹ bằng mức thuế DOC đưa ra.

Sản xuất và tiêu thụ cá tra còn nhiều tự phát, manh mún - Ảnh: Duy Khương      

 Nguyên nhân áp giá thuế khi lên khi xuống là do Mỹ chưa coi Việt Nam có nền kinh tế thị trường nên phải lấy một nước thứ ba để so sánh đầu vào. Trước đây lấy Bangladesh, nay lấy Indonesia. Ngày 15/3, VASEP ra thông cáo “phản đối mức thuế trong quyết định cuối cùng”. Thông cáo nêu: “DOC đã đột ngột quyết định thay đổi quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam từ Bangladesh thành Indonesia, dẫn đến mức thuế chống bán phá giá trong quyết định cuối cùng tăng cao một cách vô lý”. VASEP yêu cầu DOC “Sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam như trước”.

 

Nhìn lại mình

Đấu tranh đòi sự công bằng cho cá tra là việc phải làm. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm với sản phẩm chiến lược quốc gia này cũng phải nhìn lại mình. Từ khi xuất khẩu được giá trị lớn đến nay, khoảng 20 năm, ngành sản xuất kinh doanh cá tra hầu như vẫn tự phát. Nhất là từ giữa năm 2008, khi xảy ra khủng hoảng thừa nguyên liệu cá tra, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu luôn khó gặp nhau.

Theo Tổng cục Thủy sản, từ cuối tháng 3/2012 lại đây, giá cá tra liên tục giảm (có vài thời điểm thấp nhất 18.000 đồng/kg). Hiện, giá cá nguyên liệu tại ĐBSCL cũng đang giảm mạnh và dao động ở mức thấp, như tại An Giang, giá cá 19.000 - 21.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn thuỷ sản đã tăng thêm 700 - 1.200 đồng/kg, người nuôi tiếp tục lỗ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Các DN chế biến xuất khẩu thì chào bán phá giá nhau (để giành hợp đồng), cạnh tranh không lành mạnh làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh... Giá cá tra bị đẩy xuống mức thấp nhất trong lịch sử ngành; một số DN xuất khẩu cá tra phá sản.

Hai năm qua, VASEP đưa ra giá sàn xuất khẩu fillet đông lạnh cá tra vào Mỹ 3 USD/kg. Các DN khi họp đều “thống nhất”, nhưng sau đó nhiều DN tự ý hạ còn 2,2 - 2,5 USD/kg. Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng than thở: “DN bảo phải giải phóng tồn kho để bớt lỗ, VASEP lại không có quyền ép buộc DN”.

 

Tư duy thị trường

Vụ kiện bán phá giá khởi động ngày 28/6/2002, khi Hiệp hội Chủ trại nuôi Cá nheo Mỹ (CFA) nộp đơn kiện 53 DN thuộc VASEP. Hơn 10 năm kiện tụng, ngành sản xuất kinh doanh cá tra Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thoát khỏi tự phát, vượt vòng xoáy “lệch pha” giữa nuôi trồng và chế biến xuất khẩu, nhưng chưa thành công; kết quả đạt được còn quá thấp so với họp bàn. Việc rất quan trọng là quy hoạch vùng nuôi, nhiều năm bàn với những giải pháp như cấp phép sản lượng cho từng địa phương, đánh số ao nuôi, nay vẫn chưa làm được. Nghị định Quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra để đưa ngành cá tra thành ngành có điều kiện, hơn hai năm dự thảo vẫn là... dự thảo.

Cho rằng cá tra bán phá giá thì không đúng, nhưng quả thật sự tự phát kéo dài đã “giúp” chúng ta tự hại mình. Người nuôi cá cứ mặc sức nuôi, gây áp lực tiêu thụ lên chính quyền và đổ lỗi cho DN. DN chế biến xuất khẩu cũng có hiện tượng ép giá nguyên liệu trong nước để kiếm lời; “chung thuyền ra biển lớn” nhưng một số cố chen lên trước khiến con thuyền chao đảo.

>> Theo các chuyên gia, kinh tế thị trường là phải tổ chức sao cho không chỉ sản xuất và chế biến gặp nhau mà còn phải gặp được nhu cầu tiêu dùng, để đạt hiệu quả cao nhất. Sản xuất phải xuất phát từ nhu cầu thị trường. Không gây xung đột lợi ích trên thị trường thống nhất toàn cầu, vì như thế dễ tự mình loại bỏ mình ra khỏi thị trường. Trong ngành phải liên kết, hợp tác, và vai trò quản lý nhà nước ở quy hoạch, kế hoạch là không thể thiếu.

Sáu Nghệ (thuysanvietnam.com.vn)