Cá tra đang “sống khỏe” tại nhiều thị trường mới

* Nhu cầu cao từ Brazil, Ai Cập, Nhật Bản Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2012, cá tra VN đã XK sang 142 thị trường, tăng so với 136 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2011.

Thời gian gần đây, XK cá tra của VN sang các thị trường lớn như Mỹ và EU giảm nhưng lại xâm nhập thêm được nhiều thị trường mới khác. Năm 2012, 10 thị trường mới có mức tăng trưởng nhập khẩu cá tra trên hai con số như: Trung Quốc và Hong Kong (31,5%), Ai Cập (29%)... Một số thị trường còn nhiều tiềm năng khác như Mexico, Brazil, Colombia, Australia...


Khó khăn ở thị trường EU, Mỹ là cơ hội mới để cá tra Việt Nam vươn ra 
các thị trường khác

Năm nay, thị trường Ai Cập được dự báo tiếp tục tăng nhập khẩu cá tra VN vì nhu cầu khá lớn. Tương tự là thị trường Ấn Độ đang có xu hướng tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2013. Nhật Bản đang tăng nhập khẩu cá tra VN, trong khi các loại thủy sản khác có xu hướng giảm. Theo số liệu của Hải quan, từ 1/1 đến 15/3, XK cá tra Việt Nam sang Nhật Bản đạt giá trị 535 nghìn USD, tăng 2,76%.

Đối với thị trường Brazil, theo số liệu Hải quan, XK cá tra Việt Nam trong tháng 1/2013 đạt 13,4 triệu USD, tăng 86,7% so với cùng kỳ năm 2012, cho thấy dấu hiệu khởi sắc về nhu cầu của thị trường này đối với cá tra VN.

Tín hiệu tốt từ thị trường Mỹ

10 Thượng nghị sỹ Mỹ vừa đề xuất Dự luật S.632 nhằm hủy bỏ chương trình thanh tra cá da trơn nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Một Dự luật tương tự H.R.1314 cũng được Hạ nghị sỹ Vicky Hartzler (bang Missouri) và Lucille Roybal-Allard (bang California) cùng 23 thành viên trong Quốc hội đề xuất tại Hạ viện.

Trách nhiệm thanh tra thủy sản nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Tuy nhiên, vai trò này đã được chuyển sang cho USDA theo một điều khoản trong Luật Nông nghiệp Mỹ 2008.

Theo Nghị sỹ McCain (bang Arizona), Cơ quan Giải trình Chính phủ (GAO) đánh giá chương trình thanh tra chưa đi vào hoạt động nhưng đã tiêu tốn khoảng 20 triệu USD và sẽ còn gây tốn kém hơn nữa. Mục đích thực sự của chương trình là vực dậy ngành cá da trơn nội địa bằng tiền của người tiêu dùng Mỹ và các đối tác thương mại quốc tế.

Nghị sỹ Shaheen (bang New Hampshire) coi chương trình thanh tra là một khoản chi tiêu tốn kém và lãng phí của Chính phủ.

Giới kinh doanh, những người đứng đầu ngành thủy sản và một số thành viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí việc hủy bỏ chương trình thanh tra của USDA là một quyết định sáng suốt. Nghị sỹ Lucille Roybal-Allard đánh giá, nếu không bãi bỏ ngay, chương trình này sẽ làm suy yếu hệ thống an toàn thực phẩm và đặt người tiêu dùng vào tình thế nguy hiểm.

Đề xuất hủy bỏ chương trình thanh tra cũng nhận được nhiều ủng hộ từ các lĩnh vực an toàn thực phẩm, giám sát ngân sách, các luật sư. Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) cũng lên tiếng phản đối chương trình thanh tra này trên trang repealcatfish.com.

Năm ngoái, đề nghị hủy bỏ chương trình đã được Thượng viện Mỹ tán thành nhưng bị cản trở tại Hạ viện do có nhiều nghị sỹ ủng hộ chương trình thanh tra đang tham gia Ủy ban này.

Theo Nongnghiep.vn