Cá tra và vòng quay may rủi
- Chủ nhật - 14/05/2017 09:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thu hoạch cá tra ở phường Thới An (Ô Môn - TP.Cần Thơ). Ảnh: Huỳnh Xây.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá cá tra xuất tại ao liên tục đạt ngưỡng cao, từ 24.000 - 26.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 27.000 đồng/kg. Trung bình mỗi hộ dân thu lãi từ 500-1.200 đồng/kg sau khi trừ chi phí. So với mức giá từ 18.000-19.000 đồng/kg trong năm 2016 thì mức 27.000 đồng/kg được xem là ngưỡng cao. “Trước đây, nuôi 5 hầm cá tra, nhưng đã treo 2 hầm vì liên tiếp thua lỗ. Giờ cá tra tăng vọt, tôi dự định nuôi lại hết 5 hầm”, anh Trần Văn Trường, người nuôi cá tra tại Cần Thơ cho biết.
Nguyên nhân giá cá tra tăng trong thời gian qua do nhiều năm thua lỗ liên tục, nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác làm cho nguồn cung tụt dốc. Trong khi, lượng hợp đồng xuất khẩu đầu năm 2017 tăng khoảng 10%, nhưng sản lượng cá gối vụ phục vụ chế biến lại giảm mạnh. Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cá tra của thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Câu chuyện cá tra được giá kỷ lục đang “hâm nóng” lại vùng nguyên liệu xuất khẩu trị giá “tỷ đô-la” ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là khi không ít nông dân đang rục rịch tăng diện tích nuôi trở lại. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương, nhận định: “Ở hầu hết các thị trường trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ cá tra liên tục được dự báo tăng mạnh. Đáng chú ý là sự tăng trưởng của thị trường châu Á đã đưa giá trị cá tra của nước ta tăng lên mạnh mẽ”.
Về thị trường xuất khẩu cá tra, Mỹ và EU là hai thị trường lớn nhất tiêu thụ cá tra của Việt Nam, nhưng hiện nay kim ngạch cá tra xuất khẩu vào những thị trường này đều liên tục suy giảm. Được biết, từ 1/1 đến 15/2, xuất khẩu cá tra sang Mỹ chỉ đạt 26 triệu USD, giảm tới 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU và Đông Nam Á cũng sụt giảm mạnh, từ 12-17%.
Nguyên nhân sụt giảm do nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường chững lại. Riêng ở Mỹ, thuế chống bán phá giá đang áp gần 3 USD/kg, cùng với nhiều rào cản khác khiến các doanh nghiệp không mặn mà tham gia xuất khẩu.
Nhưng ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng hơn một nửa. Hiện, có khoảng 70% sản phẩm cá tra của Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo đường ủy thác hoặc tiểu ngạch. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đạt 69,7 triệu USD, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy, xu hướng xuất khẩu cá tra sang thị trường này đang có chiều hướng tăng cao. Và dù lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh về giá trị và sản lượng nhưng xem ra đây vẫn là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi có nhiều biến động trong nhiều năm trở lại đây.
Để giành lại những thị phần cá tra đã mất tại EU, Mỹ và giành lại hình ảnh đẹp cho cá tra là nhiệm vụ đặt ra hết sức cấp thiết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với VASEP đưa ra một số nhóm giải pháp.
Nhóm giải pháp thứ nhất là thực thi chiến dịch marketing và phát triển thị trường. Nhóm giải pháp thứ hai là tạo xu hướng và nhu cầu thị trường cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, làm lực đẩy cho Nghị định về cá tra phát huy tác dụng tối đa và thực hiện đề án sản phẩm quốc gia đối với cá tra. Nhóm giải pháp thứ ba là tăng cường xây dựng chương trình hợp tác với cơ quan kiểm tra chất lượng tại nước nhập khẩu để kiểm soát chất lượng chặt chẽ, hợp tác kiểm soát vấn đề nghi về nhãn mác sản phẩm, đặc biệt là ở châu Âu; hỗ trợ tối đa cho các chiến dịch marketing và thực thi Nghị định cá tra; đấu tranh với một số nước không vì tự vệ thương mại mà áp đặt kiểm soát quá mức (ví dụ như những gì đang xảy ra ở các nước Trung Mỹ).
Hơn lúc nào hết, chuyện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá tra thông qua bao tiêu đầu ra được xem là giải pháp căn cơ bảo đảm sản xuất bền vững, giảm thiểu các rủi ro.
P.V/kinhtenongthon.com.vn