Cải thiện chất lượng đàn trâu
- Thứ tư - 15/10/2014 05:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giống trâu Murrah có nguồn gốc từ Ấn Độ được nhập vào nước ta từ năm 1958. Việc phát triển đàn trâu Murrah với mục tiêu ban đầu chỉ để lấy sữa không còn phù hợp.
Chương trình nghiên cứu lai tạo trâu đực Murrah với trâu cái nội thành công đã cải thiện chất lượng đàn trâu VN.
Murrah hóa đàn trâu
TS Nguyễn Văn Đại, GĐ Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi (Viện Chăn nuôi) cho biết, những năm gần đây, số lượng đàn trâu của Việt Nam có chiều hướng giảm, chất lượng đàn như cân nặng, tầm vóc cũng giảm từ 10 - 15% so với trước đây.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đàn trâu bị giảm sút cả về số lượng lẫn chất lượng. Trước hết, việc nuôi trâu để khai thác sức kéo đã không còn được đề cao. Chính vì vậy mà công tác chọn giống cho trâu ở các địa phương không được chú trọng.
Tình trạng cận huyết, đồng huyết còn xảy ra phổ biến do việc nhân giống tự nhiên xảy ra trong cùng một vùng. Mặt khác, việc khai thác sữa đối với giống trâu Murrah vốn đã không hiệu quả thì nay cũng không còn phù hợp nữa.
Cả 2 yếu tố trên tạo cơ sở về việc nghiên cứu lai tạo giống trâu Murrah to lớn với trâu "đầm lầy" của VN.
Chương trình được khởi động từ năm 2008. Ngặt nỗi, cứ mỗi lần ghép phối thì trâu đực Murrah lại “chê” nàng trâu nái ta. Vì thế, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi đã phải nuôi ghép nghé đực Murrah với nghé cái nội. Những mong, cùng lớn lên thì chúng sẽ “thành thân”.
Nhưng sau gần 2 năm chờ đợi, trâu đực ngoại vẫn chẳng chịu bén duyên. Mỗi lần ghép phối chỉ ngửi mà không ... ăn, trâu đực ngoại nhìn trâu nái nội lạnh lùng rồi õng ẹo bỏ đi.
Việc nghiên cứu buộc phải chuyển sang giai đoạn thụ tinh nhân tạo bằng tinh cọng rạ. Kết quả thành công mỹ mãn. Việc dẫn tinh trâu Murrah đông lạnh cọng rạ không chỉ cho tỷ lệ thu thai đạt cao mà tầm vóc, khối lượng của nghé con lai F1 đều cao hơn 20 - 25% so với nghé con nội.
Từ kết quả đó, trong các năm từ 2010 đến nay, tinh cọng rạ trâu Murrah đã được lai tạo trên đàn trâu thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Giang…
Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi vẫn tiếp tục duy trì đàn trâu Murrah hiện có làm cơ sở khai thác tinh cọng rạ. Mặt khác, trung tâm phối hợp với Trung tâm Khuyến nông QG mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc. Theo ông Tạ Văn Cần, để phát triển mạnh đàn trâu lai đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa là không đơn giản bởi tập quán chăn thả. Vì vậy, song hành với việc thụ tinh nhân tạo thì trung tâm vẫn khuyến cáo các địa phương chủ động gây đàn trâu đực F1 để Murrah hóa đàn trâu. |
Ở bất kỳ địa phương nào, cán bộ chuyên môn cũng như người dân đều đánh giá cao hiệu quả Murrah hóa. Chương trình không chỉ góp phần cải tạo khối lượng, tầm vóc của đàn trâu mà còn mở ra hướng phát triển mạnh theo hướng SX trâu hàng hóa lấy thịt.
Nuôi trâu làm giàu
Ông Đồng Văn Phong ở xã Bá Xuyên, TX Sông Công, tỉnh Thái Nguyên cho biết, gia đình ông đã may mắn được nhân giống trâu Murrah. Nghé con ra đời to hơn hẳn nghé nội trước đây tới nửa yến. Nuôi được chừng 1 năm thì trọng lượng trâu đã đạt trên dưới 1 tạ.
Đưa chúng tôi ra thăm đàn trâu của gia đình, bà Dương Thị Điều ở xóm Vinh Quang 1, xã Vinh Sơn, TX Sông Công so sánh, nghé lai bao giờ cũng to cao và đẹp mã hơn nghé nội.
Quan trọng nhất là sau gần 2 năm chăn nghé lai, bà Điều chắc chắn là chúng cũng mang hầu hết những ưu điểm của con mẹ về sự thích nghi với điều kiện chăn thả, khí hậu tại nước ta. Chính vì vậy mà trọng lượng của nghé tăng trưởng rất nhanh.
Trước thực tế đó, ông Hà Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Sơn cho biết, là địa bàn cận kề với đơn vị Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi, bà con xã Vinh Sơn có may mắn được cán bộ Trung tâm tạo điều kiện nhân giống cũng như hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.
Mong muốn của địa phương là sẽ Murrah hóa toàn bộ để tạo ra đàn trâu nửa tấn.
Ông Tạ Văn Cần, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi cho biết, trâu lai F1 có trọng lượng cao hơn 20 - 25% so với trâu nội. Nếu trâu đực F1 phối giống trực tiếp với trâu nái nội thì trâu con cũng có trọng lượng cao hơn 15 - 20%.
Điều đặc biệt là cả 2 đời nghé lai F1 hay F2 đều sinh trưởng, phát triển và sinh sản bình thường như trâu nội. Đó chính là điều kiện cần và đủ để đẩy mạnh chương trình lai tạo giống.
Theo Nongnghiep.vn