Cẩm Xuyên: Nơi yên nghỉ của anh hùng, liệt sỹ thành phế tích!

Cẩm Xuyên: Nơi yên nghỉ của anh hùng, liệt sỹ thành phế tích!
Gần ngày thương binh liệt sỹ 27/7, đến nghĩa trang liệt sỹ huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) thắp hương tưởng niệm thân nhân, cảnh tượng hoang tàn, thê thảm ở nơi tôn nghiêm này khiến chúng tôi bàng hoàng, nghẹn ngào không tin nổi vào mắt mình.
 
Bơm kim tiêm vương vãi trên lối vào nghĩa trang

 

Năm nào cũng vậy, vào dịp 27/7 hàng năm, gia đình chúng tôi tổ chức về nghĩa trang liệt sỹ Hương Điền (Huế) thắp hương cho anh trai hy sinh trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 và về nghĩa trang Liệt sỹ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh thắp hương cho chú ruột hy sinh năm 1966 tại cầu Rác khi đang làm nhiệm vụ.

Đến nghĩa trang Hương Điền (Huế), mẹ tôi (91 tuổi) mặc dầu đau đớn, xót xa, nhưng cũng an lòng khi thấy mộ của anh trai và bao đồng đội được chăm sóc hương khói thường xuyên. Khuôn viên, cảnh quan “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng”. Người quản trang ân cần giúp đỡ chỉ đường, tìm mộ, thăm hỏi an ủi, động viên gia đình chúng tôi.

Nhưng cảm nhận ấy không còn khi gia đình chúng tôi đến nghĩa trang Liệt sỹ huyện Cẩm Xuyên để thắp hương cho chú ruột.

 
Bãi rác phía góc trái cổng nghĩa trang

Trước đường đi lên nghĩa trang rác bẩn, đầy rẫy vỏ nhựa, kim tiêm của con nghiện vứt bừa bãi nằm chỏng chơ trên nền xi măng. Chị tôi hét toáng lên dặn mọi người cẩn thận không thì giẫm lên kim tiêm.

Chúng tôi tìm đến nhà bảo vệ ở phía phải. Nhà im ỉm khóa. Trên lối vào nhà, vỏ trái ngô đồng khô rụng lăn lóc. Hành lang trước, bên phải, bên trái ghét bẩn, bụi bám. Phía sau là nơi để vương vãi những tấm gạch ốp đã vỡ. Trên trần đầy mạng nhện. Cánh cửa bụi bám, chứng tỏ đây là ngôi nhà không có người.

Trong buổi chiều buồn bã, chúng tôi lên nghĩa trang. Cánh cổng sắt xập xệ. Cánh phải bản lề trên đã đứt khiến hai cánh cửa sắt đóng lại trông chệch choạc chẳng nghiêm trang chút nào. Phía bên trái là một đống rác to. Lá thông khô gió thổi tạt vón lại trên lối đi. Phải vất vả mới lên được tiền sảnh.  

 
Cánh cửa sắt xập xệ, im ỉm khóa

Rác bẩn đủ loại vương vãi khắp nơi. Chúng tôi lên tượng đài thắp hương. Phía trái tượng đài có 4 vỏ chai thủy tinh và nhựa lăn lóc áng chừng đã được vứt từ lâu không ai dọn dẹp. Bồn hoa hai bên tượng đài trở thành nơi đựng rác. Dưới gốc cây bách tán ở hai bên tượng đài vô vàn bao ni lông, vỏ chai nhựa, rác bẩn. Gió nam thổi, rác bẩn bay vù lên khiến mẹ tôi phải lấy tay dụi mắt.

Trước tượng đài có trừ ô để trồng cây cảnh, nhưng chỉ thấy cây dại mọc um tùm. Cây xương rồng là loài cây chịu nắng hạn nhưng cũng cháy vì nắng. Cây bên phải một cành ngã xuống trông rất thểu não.

 
Xương rồng héo úa

Sau khi dọn dẹp, thắp hương cho các anh húng liệt sỹ, chúng tôi đi tìm mộ chú. “Trời đất ơi! Sao hoang tàn, cỏ dại mọc thế này!?”. Mẹ tôi than vãn.

Lối đi được lát gạch nhưng cỏ dại lan cả hai bên. Những cống rãnh thoát nước, cỏ um tùm. Cỏ loán sang cả bậc tam cấp. Cỏ che lấp lối đi, che lấp phần mộ. Phải vất vả lắm, chúng tôi mới tìm được mộ chú. Mợ (vợ của chú) gào lên thảm thiết trong chiều: “Sao đến nông nỗi này. Sao khổ thế, lạnh lẽo thế anh ơi! Mẹ con xin đưa về thì anh bảo để anh nằm với đồng đội. ...Trời đất ơi!”.

 
Bồn hoa đã thành bồn cỏ dại

Tôi thắp hương cho chú và đồng đội, cúi lạy xin được chụp ảnh, quay phim, ghi chép để kêu lên sự thực này không hiểu có thấu tới lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên không?

Từ cơ quan của huyện đến nghĩa trang chỉ có 3km. Chẳng nhẽ không ai đến đây!? Sao lại để nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sỹ thành phế tích!?
Theo tamnhin.net