Cắm biển, ghi tên có thành cánh đồng mẫu lớn?
- Thứ năm - 28/03/2013 02:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những thành tích được “khoe”
Chúng tôi theo đoàn đại biểu gồm các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện các Sở Nông nghiệp và PTNT đến tham quan mô hình thí điểm cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được coi là triển khai tốt nhất tại tỉnh Nam Định. Cánh đồng lúa ở xã Giao Tiến (huyện Giao Thủy) trông đều tăm tắp, đồng nhất một màu của lúa cùng giống. Không còn cảnh loang lổ, chỗ thì lúa chín, chỗ còn xanh, hay lúa cao chen lúa thấp như thường thấy ở mọi cánh đồng trước kia. Ông Cao Xuân Chiến, Phó chủ tịch UBND xã Giao Tiến cho biết, 400 hộ ở Hợp tác xã Nông nghiệp Giao Tiến đã góp chung được 52ha ruộng để làm mô hình CĐML. Nông dân phá bỏ bờ, ranh giới ruộng giữa hộ này với hộ kia được thay bằng những chiếc cọc đóng trên bờ lớn. Các tuyến giao thông thủy lợi nội đồng đều được đào đắp, nạo vét cho “thông dòng bén giọt”.
Ông Phùng Công Hoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định khoe, vụ mùa năm 2012, số CĐML trong tỉnh đã tăng lên 33 mô hình. Kết quả, nhiều mô hình cho năng suất lên tới 62,4 tạ/ha, tăng hơn 7% so với sản xuất đại trà cùng giống.
Chỉ có điều, cả cánh đồng sản xuất theo phương thức mới ấy không thấy bóng dáng nông dân nào. Chúng tôi thắc mắc thì được trả lời: Thời gian tham quan ngắn nên không thể bố trí được nông dân.
Hôm sau, tôi quay trở lại CĐML xã Giao Tiến, lắng lòng nghe những suy tư trăn trở của bà con. Gặp một nữ nông dân tên Nhàn đang phun thuốc trừ sâu trên ruộng, tôi hỏi: “Phá bỏ bờ ruộng để canh tác chung, cả làng cùng trồng lúa trong một thửa ruộng lớn, chị thấy tốt hơn hẳn trước kia chứ?”, chị bày tỏ: “Vẫn nhà nào nhà nấy làm riêng chứ, bờ ruộng phá đi rồi, chúng tôi vẫn be lại mà. Không be bờ thì mình bón phân, phân tan vào nước đi hết sang ruộng nhà khác à? Chỉ có khâu cày ruộng và bơm nước là hợp tác xã làm dịch vụ, chúng tôi trả tiền. Còn tất cả những công việc khác thì vẫn nhà nào nhà nấy làm thôi”. Nói rồi, chị vạch những hàng lúa ra cho tôi xem, nối từ chiếc cọc ở bờ này sang bờ kia vẫn là những bờ ruộng mỏng manh bị lúa che khuất. Hóa ra, vẫn là vô vàn thửa ruộng nhỏ trong một CĐML. Nói cách khác, nó vẫn là một kiểu “bình mới rượu cũ”.
Rời xã Giao Tiến, chúng tôi tới thăm CĐML của HTX Đại Thắng ở xã Nghĩa Thịnh (huyện Nghĩa Hưng) và cũng gặp vấn đề tương tự. Dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng, ông Nguyễn Xuân Điến, Chủ nhiệm HTX Đại Thắng cho biết: “Mô hình CĐML này rộng 100ha, với 703 hộ tham gia. Đây cũng là CĐML đầu tiên ở huyện Nghĩa Hưng”.
Lão nông Phạm Văn Hương chỉ cho chúng tôi chiếc cọc cắm ở đầu bờ ruộng nhà mình và thật thà nói: “Chỉ cần đóng cọc phân định ranh giới giữa các bờ ruộng, cắm biển thế là thành CĐML. Trước kia, bờ ruộng của từng hộ được đắp cố định từ năm này qua năm khác. Nay cứ đến vụ cày bừa thì phá bờ ra cho máy móc vào làm việc. Đến khi cấy thì be bờ lại, vì là bờ tạm nên không cần đắp kiên cố như trước”.
Khó nhất là rút lao động ra khỏi nông nghiệp
Ông Điến bày tỏ lo lắng: “Hiện, chúng tôi đang thực hiện thí điểm mô hình CĐML nên vật tư được Nhà nước và doanh nghiệp trợ giá, như giá lúa giống cung ứng cho dân chỉ bằng một nửa so với giá trên thị trường. Sau này, hết thí điểm, tất cả làm đại trà, không còn được hỗ trợ nữa, lúc đó giá lúa giống HTX cung ứng cho dân buộc phải bằng giá thị trường, chẳng biết lúc đó bà con còn đồng lòng mua giống từ HTX để sản xuất cùng giống, hay lúc đó lại trở về mỗi hộ cấy một giống khác nhau mua ngoài thị trường?”.
Do có quá nhiều hộ cùng tham gia sản xuất trên một diện tích nên CĐML Đại Thắng không thể phát huy được lợi thế “3 cùng” (cùng giống, cùng trà và cùng phương thức canh tác). Cùng trên một cánh đồng nhưng lúa có nhiều loại giống khác nhau khiến chỗ cao, chỗ thấp, lúa đã trổ bông xen lẫn lúa thời kỳ con gái. Ông Nguyễn Trọng Huế, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh cho biết: “Qua 2 vụ sản xuất thì chưa nhận thấy sự đột phá về năng suất, lợi nhuận của từng hộ vẫn vậy. Lúa không cùng giống nên thời vụ thu hoạch cũng khác nhau. Chính vì vậy mà HTX chưa thể thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trên CĐML. Tâm lý giữ ruộng phòng thân của nông dân cộng với cách làm dàn trải, không đồng bộ, đặc biệt là chưa thể rút giảm được số lượng lao động trên một đơn vị diện tích đất canh tác đang làm cho việc thực hiện CĐML ở Nghĩa Thịnh gặp nhiều trở ngại”.
Chia tay chúng tôi, ông Điến bày tỏ: “Mô hình CĐML tuy đã thành công ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng đặc thù ở miền Bắc rất khác. Cái cần thay đổi ở miền Bắc đầu tiên là hệ thống kênh mương thủy lợi phải làm hoàn thiện; thứ hai là phải rút bớt được lao động nông nghiệp ra để diện tích đất canh tác bình quân cao lên thì mới có thể sản xuất theo hướng hàng hóa được. Các cán bộ, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp phải về đây, ở cùng, ăn cùng nông dân thì mới thấy được những bất cập, hạn chế. Chứ họ cứ tổ chức các hội nghị, đọc văn bản chỉ đạo, rồi nghe báo cáo thì địa phương nào cũng báo cáo tốt, rất khó chỉ ra được những khó khăn, trở ngại thực sự để tìm ra giải pháp thích hợp. Trong khi, các địa phương đang lầm tưởng chỉ cần cắm cọc, đặt biển trên cánh đồng là xây dựng CĐML thành công”.
Các cán bộ, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp phải về đây, ở cùng, ăn cùng nông dân thì mới thấy được những bất cập, hạn chế. Chứ họ cứ tổ chức các hội nghị, đọc văn bản chỉ đạo, rồi nghe báo cáo thì địa phương nào cũng báo cáo tốt, rất khó chỉ ra được những khó khăn, trở ngại thực sự để tìm ra giải pháp thích hợp. |
Chu Khô (kinhtenongthon.com.vn)