Cán bộ làm trước…

Cán bộ làm trước…
Những ngày đầu anh Nguyễn Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Cư Yên (Lương Sơn, Hòa Bình) đi vận động bà con trong xóm hiến đất để làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chẳng những không được việc mà người dân quanh xóm còn phản ứng gay gắt... Nhưng anh vẫn kiên trì thuyết phục anh em trong gia đình và làng xóm hiến đất, quyết làm cho được con đường khang trang về xóm.
 
LLVT tỉnh Hòa Bình phối hợp cùng người dân địa phương làm đường giao thông ở xóm Hang Đồi 2. Ảnh: Đức Anh
 
Theo kế hoạch tổ chức diễn tập phòng thủ gắn với thực hiện một số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình năm 2012, xóm Hang Đồi 2 của anh Nguyễn Mạnh Hùng cũng nằm trong kế hoạch diễn tập của huyện lần này và phải làm một đường bê tông kiên cố.
Thực tế, đường về xóm Hang Đồi 2 là đường đất nhỏ, dốc và cũng là cửa ngõ để lên rừng. Vào mùa mưa, đất đá xói lở xuống khiến việc đi lại rất khó khăn. Trẻ con đi học cũng hết sức vất vả vì phải đi 2 km mới đến được trường. Có hôm mưa, đi trơn ngã lại phải nghỉ học quay về. Cùng với đó, việc tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản của bà con cũng hết sức khó khăn vì phải mang ra chợ cách đấy hơn 10km để bán. Không bán được hàng lại phải mang về.
Những ngày đầu triển khai kế hoạch gặp không ít khó khăn, vì rất nhiều diện tích đất trồng rừng, đất ở, đất vườn và cây lấy gỗ, cây ăn quả của nhà anh Hùng và nhiều gia đình trong xóm nằm trong diện phải giải tỏa.
Anh Hùng bày tỏ:
- Chúng tôi đã lập nhiều tổ công tác xuống xóm để giải thích, vận động, thuyết phục bà con. Nói rõ thiệt hơn khi có con đường mới. Ban đầu, nhiều người phản đối quyết liệt, cho rằng các nơi làm đường, nếu lấy vào đất của dân phải đền bù. Vậy tại sao lần này không được đền bù, lại còn phải đóng góp cát, sỏi và cùng tham gia làm? Có người còn nói thẳng với tôi trong cuộc họp là về vận động gia đình hiến đất trước thì mọi người sẽ làm theo. 
Là bộ đội xuất ngũ, lại là cán bộ đảng viên nên anh Hùng phải gương mẫu để bà con làm theo. Nói thì dễ nhưng làm được thật không đơn giản. "Đã nhiều lần tôi bàn tính với vợ và anh em trong nhà về việc hiến đất làm đường nhưng đều bị cả gia đình phản đối. Kiên trì thuyết phục, giải thích rằng đây không phải là dự án kinh tế nên không được đền bù. Hơn nữa, làm đường là để phục vụ cho sản xuất, đi lại được thuận lợi, con em đến trường đỡ vất vả hơn vào mùa mưa. Nếu bà con không ủng hộ đất để làm đường lần này, không biết bao giờ mới làm được…", anh Hùng chia sẻ. 
Cuối cùng, gia đình cũng phải “chịu thua” trước lý lẽ của anh và tình nguyện hiến gần 300m2 đất. Sau khi gia đình anh làm gương, bà con trong xóm không còn ai phản đối, có 9 hộ tự nguyện hiến đất với tổng số 2.300m2; họ còn tích cực đóng góp vật liệu xây dựng, tham gia ngày công lao động. Kết quả thật khả quan, ngay sau đợt diễn tập khu vực phòng thủ của huyện, xóm Hang Đồi 2 đã có con đường bê tông kiên cố rộng 3,5m, dài 3km chạy qua. Ngày khánh thành đường vào tháng 10-2012, cả xóm hân hoan, ai cũng vui như làng mở hội.
Giờ đây, với con đường bê tông kiên cố, sạch đẹp chạy qua, các em học sinh có thể đi học bằng xe đạp hoặc bố mẹ đưa đi bằng xe máy dù trời nắng hay mưa. Hàng hóa nông sản do bà con sản xuất ra cũng được tiêu thụ dễ dàng hơn. Trước đây phải mang ra chợ thì nhưng bây giờ khách mua tìm đến tận nhà, không lo hàng bị ế. Để thành công, công tác vận động thuyết phục là rất quan trọng. Gia đình ông Nguyễn Văn Mịnh, không tự nguyện hiến đất và còn phản đối quyết liệt đến mức, hễ ai cắm cọc phân mốc vào đất nhà mình là ông lại nhổ cọc ném đi. Thậm chí, ông còn rào chắn thêm, không cho thi công đường. Sau khi được thuyết phục và hiểu rõ vấn đề, gia đình ông đã tự nguyện hiến gần 200m2 đất. Giờ đây, gia đình ông Mịnh càng thấy con đường mới thiết thực và ý nghĩa hơn bao giờ hết, bởi lượng tiêu thụ nông, lâm sản của gia đình ông hiện đang nhiều nhất cả xóm. Không riêng gia đình ông Mịnh, đời sống của bà con cũng khấm khá lên nhiều. Hàng hóa tiêu thụ nhanh chóng, quay vòng vốn nhanh, tái sản xuất và cho lợi nhuận cao hơn, nhiều nhà đã sắm được xe máy. Trước đây, xóm Hang Đồi 2 có 100 hộ nhưng có đến 30 hộ nghèo, nay số hộ nghèo trong xóm chỉ còn lại 2 hộ. Những hàng quán mọc lên càng nhiều, người bán hàng rong, hàng ăn sáng cũng tấp nập, đông đúc - cảnh tượng mà trướnc đây chưa từng có ở xóm Hang Đồi 2.  Xóm nghèo đang "thay da đổi thịt" từng ngày.
Theo anh Hùng, điều khó nhất khi vận động bà con hiến đất là chủ trương phải sát với thực tế, quyền lợi của nhân dân. Vận động phải bằng tình cảm chân thành, gắn với thực tiễn, chứ không thể dùng luật. Hơn nữa, là người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước. Khi bà con hiểu và thấy được lợi ích của mình thì họ sẽ tự giác hiến đất.
Bài, ảnh: MINH MẠNH
Theo qdnd.vn