Cận cảnh nông thôn mới Trung Quốc : Từ tam nông đến nông thôn mới
- Thứ ba - 12/06/2012 06:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thưa ông, chính sách tam nông của Trung Quốc có từ khi nào?
Thực ra một số địa phương đã thực hiện thí điểm chính sách tam nông mới (nông thôn, nông nghiệp, nông dân – NV) từ năm 1995 nhưng đến năm 1997 thì trung ương chính thức có văn kiện quy định cụ thể hơn về hệ thống chính sách với vấn đề tam nông. Tuy chính sách tam nông được cụ thể hoá từ năm 1997 nhưng trên thực tế vấn đề tam nông đã tồn tại và phát triển từ năm 1949, khi nhà nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời.
Cải cách ở nông thôn diễn ra sôi nổi từ khi thực hiện chính sách khoán hộ. Tuy nhiên, chính sách này đã bộc lộ nhiều bất cập, “cơ chế khoán” dẫn đến người dân phải đóng góp quá nhiều. Đến năm 1997, nhiều địa phương có hiện tượng phổ biến lao động nông nghiệp bỏ đồng ruộng đi ra thành thị. Trung ương đã có những chính sách mới để góp phần giảm nhẹ đóng góp cho nông dân và ổn định tình hình.
“Nông thôn mới xã hội chủ nghĩa” là một khái niệm được Trung ương Đảng cộng sản và Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc nêu rõ trong “bản tài liệu số 1” được công bố tháng 3.2006. Đây cũng là nhiệm vụ chính của kế hoạch năm năm 2006 – 2010 của Trung Quốc với phương châm “cho nhiều, lấy ít, nuôi sống”.
Vì sao Trung Quốc phải xây dựng nông thôn mới?
Là vì nông nghiệp Trung Quốc vẫn chưa đạt mức có thể làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế xã hội và nâng cao mức sống của nhân dân, khoảng cách giữa đô thị và nông thôn ngày càng xa hơn, nông thôn thiếu đất trồng trọt. Do vậy cần phải điều chỉnh mối quan hệ trong phân phối thu nhập, quy phạm, trật tự phân phối: thu nhập, tăng thu nhập cho tầng lớp người có mức sống trung bình và thấp. Mục tiêu của nông thôn mới xã hội chủ nghĩa Trung Quốc chỉ đơn giản là: năng suất nông thôn, cơ sở hạ tầng, phát triển xã hội và mức sống.
Nhà nước Trung Quốc có những giải pháp cụ thể nào?
Nhà nước Trung Quốc đã đầu tư, hỗ trợ cho tam nông với tổng số tiền hơn 700 triệu NDT. Mặc dù có thay đổi diện mạo, cũng như mức sống nhưng so với đời sống nông dân Anh, Mỹ thì vẫn còn thấp. Chính phủ đã đề ra chiến lược đến năm 2020, thu nhập của nông dân Trung Quốc sẽ tăng gấp hai lần so với năm 2008 (năm 2008, thu nhập bình quân là 5.000 NDT/người/năm). Ngoài ra, đến năm 2020 sẽ bình đẳng về y tế, giáo dục, dưỡng lão trên phạm vi toàn quốc.
Nhiều vùng nông thôn Trung Quốc vẫn còn khó khăn, canh tác lạc hậu do thiếu thốn cơ sở hạ tầng. Ảnh: Hữu Lực |
Có thể điểm qua một số nội dung chính của các giải pháp đó là: nhà nước đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, ngân sách cho phát triển nông thôn tăng lên.
Sự phân phối thu nhập quốc dân sẽ được điều chỉnh để cho việc tiêu thụ thuế, đầu tư ngân sách, tài sản cố định và tín dụng sẽ tăng cho nông nghiệp và nông thôn. Phần lớn trái phiếu, vốn ngân sách sẽ đi về phát triển nông thôn. Đặc biệt, đầu tư để cải tiến sản xuất và điều kiện sống sẽ trở thành một luồng ổn định để tăng vốn cho xây dựng. Phí thu từ sử dụng đất sẽ được dùng chủ yếu vào các dự án phát triển đất nông nghiệp nhỏ và bảo vệ tài nguyên nước. Chính phủ sẽ ưu tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng cấp thiết cho đời sống nông dân. Nếu giải quyết những vấn đề này triệt để thì chất lượng sống giữa nông thôn và thành thị không khác nhau là mấy…
Ông vừa nói vấn đề nông dân còn thiếu đất trồng trọt nhưng trên thực tế vẫn có các khu đô thị mới, khu công nghiệp ngày càng mở rộng?
Hiện nay, hệ thống pháp luật về quản lý sử dụng đất nông nghiệp của Trung Quốc rất chặt chẽ, vì trước đó có một thời gian một số khu công nghiệp đã gây ô nhiễm ruộng đồng. Một số nhà máy nước ngoài gây ô nhiễm đã phải đóng cửa vĩnh viễn và chuyển đi sang nước khác. Hiện tại, cá nhân hay doanh nghiệp muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ 15ha trở lên phải được phép của Quốc vụ viện Trung Quốc. Bên cạnh đó, họ phải cải tạo phần đất hoang hoá hoặc diện tích đất có năng suất thấp thành đất có năng suất cao, tương đương với diện tích đất chuyển mục đích sử dụng để đảm bảo diện tích đất không bị giảm. Phải đảm bảo trên toàn quốc duy trì 1,8 tỉ ha đất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực.
(Theo Hữu Lực – Lam Phong // SGTT Online)
Muốn nông thôn giàu phải làm đường Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, giáo sư Lý Thế Hiến, cố vấn về vấn đề bảo hiểm cho nông dân của trường bồi dưỡng chính trị TP Thâm Quyến cho biết, hiện nay trên toàn lãnh thổ Trung Quốc có miền Tây và một số địa phương, nhất là miền núi Trung Quốc vẫn còn 60 triệu hộ nông dân nghèo, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Hiến, để hỗ trợ nông thôn miền núi và vùng sâu, vùng xa phát triển nhanh và bền vững cần phải đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông. Người dân vùng sâu, vùng xa khao khát công bằng và cuộc sống ấm no nhưng nội lực của họ còn yếu. Bởi khó khăn về giao thông nên chi phí sản xuất tăng, canh tác lạc hậu và manh mún, các dịch vụ y tế thiếu thốn, môi trường bị ô nhiễm, nạn thất nghiệp tràn lan, do vậy muốn họ giàu nhà nước cần ưu tiên trước nhất là làm đường cho họ đi. |
Theo tintuc.xalo.vn