Cần chính sách mới cho thủy sản theo GAP

Cần chính sách mới cho thủy sản theo GAP
Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng GAP sẽ là mục tiêu được chú trọng trong thời gian tới, tuy nhiên, để GAP thực sự hiệu quả, rất cần một quy hoạch rõ ràng.

Khó khăn trong triển khai

Hiện nay, việc triển khai VietGAP tại các địa phương gặp nhiều trở ngại khi cơ sở vật chất các cơ sở nuôi đã xuống cấp nhưng khó đầu tư hạ tầng mới do đòi hỏi nguồn vốn cao, đồng thời khi người nuôi tham gia lại phải tuân thủ theo tỷ lệ về phần trăm ao lắng, nhật ký quá trình nuôi... Hơn nữa, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn do VietGAP chưa được quốc tế công nhận.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định, ông Nguyễn Doãn Lâm cũng khẳng định: NTTS theo VietGAP đã tạo nhận thức chuyển biến cho người nuôi, nâng cao tính cộng đồng, mang lợi nhuận cho người nuôi nhưng quá trình phát triển còn chậm và chưa vững chắc, chưa tương xứng tiềm năng, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng còn chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, sản phẩm, mới chú ý tới số lượng, chưa đầu tư cho chất lượng và đầu ra, vốn đầu tư cho phát triển NTTS còn nhỏ so với yêu cầu...

Tại Ninh Bình, hình thức nuôi quảng canh vẫn chiếm số lượng lớn, diện tích nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật, nuôi thâm canh, bán thâm canh theo hướng GAP chỉ chiếm 5 - 7% diện tích; năng suất, sản lượng không ổn định. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi sau nhiều năm xây dựng chưa được tu bổ, nâng cấp do thiếu vốn… Vấn đề ô nhiễm môi trường vùng nuôi tiềm ẩn, gây bất ổn cho sản xuất. Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập, rà soát quy hoạch chưa được triển khai bổ sung cho phù hợp nhu cầu thị trường.

Nuôi ngao theo VietGAP đang được nhiều tỉnh, thành áp dụng - Ảnh: Đức Lợi

Ông Như Văn Cẩn, Phó Vụ trưởng Vụ NTTS, Tổng cục Thủy sản, cũng cho rằng khó khăn hiện nay khi triển khai là việc thay đổi nhận thức, tập quán của người sản xuất, người tiêu dùng, thói quen ghi chép của người nuôi, việc kết nối các bên tham gia chuỗi giá trị, tổ chức triển khai còn chưa đồng bộ.

 

Điều chỉnh quy hoạch

Theo kiến nghị của ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cần kết cấu vùng nuôi, xây dựng hệ thống cấp thoát nước đạt tiêu chuẩn, xử lý các trường hợp nuôi không đúng quy hoạch, tăng cường quản lý nước thải, con giống, quan trắc môi trường, sản xuất con giống chất lượng cao, tăng cường ứng dụng quy hoạch mô hình nuôi hiệu quả. Việc triển khai VietGAP tương đối khó, do đó Bộ NN&PTNT khẳng định khi triển khai VietGAP, người dân cần được ưu tiên những gì, hỗ trợ ra sao. Khi triển khai cần tích cực tuyên truyền thuyết phục để người dân tham gia đông đảo. Hướng người dân tới nuôi trồng đảm bảo an sinh xã hội, an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sản phẩm, nhằm đem đến lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Cũng liên quan chính sách của VietGAP, ông Bùi Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Phát triển Vicato khẳng định: Để VietGAP đạt kết quả đồng bộ, triển khai hiệu quả, cần quan tâm công tác quy hoạch, nếu tất cả đều nuôi theo VietGAP thì câu chuyện quy hoạch là đầu tiên, phải có chính sách quy hoạch rõ ràng.

>> Theo Tổng cục Thuỷ sản: Phát triển VietGAP trước tiên cho các đối tượng xuất khẩu chủ lực, xây dựng mô hình áp dụng với vùng nuôi để tạo chuỗi liên kết. Đồng thời, cần phát triển thị trường cho các sản phẩm chứng nhận VietGAP.

 
Nguồn: thủy sản việt nam