Cần có những nghiên cứu kĩ hơn về dây thuốc cá

Cần có những nghiên cứu kĩ hơn về dây thuốc cá
Dây thuốc cá được người dân sử dụng rộng rãi, trong nông nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên đây là một loại cây có độc nên cần có những nghiên cứu kĩ lưỡng để cảnh giác người dân sử dụng dây thuốc cá được hiệu quả nhất.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Trưởng phòng khám Tuệ Lãn, phó Tổng thư ký Hội dược liệu TP.HCM) cho biết, dây thuốc cá từ lâu đã được Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước Đông Nam Á dùng rễ để thuốc cá. Trong rễ, quả, vỏ, lá dây thuốc cá đều có chứa rotenol và nhiều hợp chất khác. Chất này chủ yếu tập trung nhiều trong rễ, đặc biệt là các rễ nhỏ với hàm lượng cao có tính diệt côn trùng. Những chất này làm tê liệt trung tâm hô hấp, sát trùng diệt sâu bọ và các loài động vật có máu lạnh, hầu như không độc với súc vật nuôi trong nhà và với người qua đường tiêu hoá (ăn, uống), nhưng qua đường tiêm mạch máu có thể gây liệt hô hấp và chết do ngạt.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa với dây thuốc cá

Nếu không may người sử dụng bị ngộ độc dây thuốc cá, cần phải đưa ngay đến bệnh viện để các bác sĩ có thể kịp thời xử lý loại bỏ chất độc, rửa dạ dày và cho uống thuốc than hoạt (một loại thuốc dùng để giải độc tố, có khả năng là giảm sự hấp thu của nhiều loại độc tố) và thuốc xổ. Điều trị các triệu chứng kịp thời (hay gặp nhất là suy hô hấp, phải đặt nội khí quản và thở máy) để ngăn chặn diễn tiến tử vong.

Ông Nghĩa cho biết những thông tin về độc tố của dây thuốc cá nếu được pha với chanh sẽ gây ra chất độc mạnh hơn nhiều lần có thể gây chết người hay thông tin về chuyện dùng nước tiểu của người để giải độc tố của dây thuốc cá chỉ là những thông tin từ người dân vì hiện chưa có một nghiên cứu hay công bố chính thức nào về những trường hợp trên. Vì vậy, với mỗi người dân sử dụng dây thuốc cá trong nông nghiệp, hay dùng dây thuốc cá để chữa bệnh đều cần được sự hướng dẫn và theo dõi của các chuyên gia để có hiệu quả tốt nhất và tránh những nguy hiểm đáng tiếc có thể xảy ra.

Đối với nhiều người dân, trồng dây thuốc cá là nguồn thu tương đối lớn hơn nhiều loại cây trồng khác. Đối với 1ha đất nông nghiệp, sau một năm trồng trọt người dân có thể thu hoạch và đạt được lợi nhuận lên đến 100 triệu đồng. Dây thuốc cá là loại cây dễ trồng, có thể trồng xen giữa cây hoa màu ngắn ngày hay dài ngày. Hơn nữa, trồng dây thuốc cá không tốn nhiều công chăm sóc hay bón phân nhiều. Nhiều hộ dân ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau nhờ vào trồng dây thuốc cá có thể thoát nghèo và làm giàu nhanh chóng.

Nguyên Việt - Đăng Văn

Theo 
nguoiduatin.vn