Cần hỗ trợ trực tiếp để nông dân tăng thu nhập
- Thứ sáu - 09/11/2012 23:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tổ chức ngày 9.11, GS-TS Ngô Thế Chí (Học viện Tài chính) kiến nghị cần nâng đầu tư công cho tam nông; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển nhanh kinh tế nông thôn, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước thông qua các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy các vùng nghèo, vùng khó khăn phát triển...
Bên cạnh đó, ông Chí cho rằng cần thực hiện hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho hộ nông dân và địa phương theo diện tích trồng lúa để bảo đảm giữ diện tích trồng lúa khoảng 3,8 triệu ha; thực hiện tăng chi đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, điều tiết phân bổ ngân sách nhà nước đảm bảo lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp, cũng như các địa phương thuần nông, tăng cường phân cấp thu chi cho địa phương kể cả cho cấp huyện và xã.
Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng: Cách tốt nhất để làm tạm hài hòa thu nhập của người nông dân là hỗ trợ trực tiếp, tức là hỗ trợ gắn luôn với người sản xuất chứ không qua các doanh nghiệp hoạt động phân phối hoặc xuất nhập khẩu.
Ông Thành phân tích: Sản xuất nông nghiệp có đặc điểm mang tính thời vụ, chu kỳ theo thời gian rất cao cho nên cái khó hiện nay là làm sao hài hòa hóa, làm cho thu nhập của nông dân ổn định, bằng phẳng, ít bị tác động bởi biến động giá cả. Người nông dân rất yếu về khả năng đàm phán, mặc cả giá, trong khi thị trường chúng ta tham gia là thị trường thế giới mà biến động giá cả lại do các nhà phân phối, xuất nhập khẩu chi phối. Việt Nam đã xây dựng nhiều biện pháp để hỗ trợ cho nông dân về chi phí đầu vào hoặc đầu ra. Thế nhưng, lợi ích từ chính sách hỗ trợ này thường là rơi vào doanh nghiệp.
Để hỗ trợ nông dân, Nhà nước đã tăng cường cung cấp thông tin, dự báo về thị trường và xây dựng thị trường hàng hóa, bán có kỳ hạn… Tuy nhiên, để những thị trường này phát triển, đòi hỏi cả kỹ năng, phải được đào tạo, đòi hỏi kết nối và đặc biệt kết nối với các thị trường phát triển...
Phương Hà
Nguồn:danviet.vn