Cần khắc phục những vướng mắc của Luật Phòng, chống thiên tai

Cần khắc phục những vướng mắc của Luật Phòng, chống thiên tai
Sáng nay (11/11), Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
bt.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2014. Luật Đê điều được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.

Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn các Luật này đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, công tác quản lý đê điều, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành các Luật đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay, cụ thể:

Đối với Luật Phòng, chống thiên tai, một số loại hình thiên tai chưa được quy định trong Luật; lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cấp xã là những nguồn nhân lực quan trọng đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai từ trước tới nay nhưng chưa được xác định trong Luật; Quỹ phòng chống thiên tai đã được thành lập và hoạt động theo Luật Phòng, chống thiên tai, nhưng mới chỉ được tổ chức ở cấp tỉnh, chưa có ở Trung ương để xử lý, hỗ trợ cho các địa phương khi có tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời để tiếp nhận nguồn hỗ trợ, cứu trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai;…

Đối với Luật Đê điều, hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều cần phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tăng cường công tác quản lý nhà nước ở trung ương; chưa có quy định việc sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng và việc xử lý công trình, nhà ở hiện có ở bãi nổi, cù lao nên tạo ra khoảng trống pháp lý trong quá trình thi hành Luật;

Vì vậy, để khắc phục những bất cập, vướng mắc lớn phát sinh trong thực tiễn thi hành 02 Luật này và đảm bảo phù hợp, thống nhất với một số Luật khác thì việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều là cần thiết.

Theo Bộ trưởng, mục đích sửa đổi Luật nhằm, tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời không để phát sinh khoảng trống về pháp lý trong công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai, và quản lý đê điều.

Đồng thời, nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, nhà nước về phòng, chống thiên tai, đê điều; kế thừa những quy định đã phù hợp trong thực tiễn thi hành các luật; bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều; tập trung chủ yếu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc lớn, được tổng kết đánh giá rõ cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều như Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, trước tình trạng gia tăng quy mô, loại hình, tần suất và diễn biến bất thường, cực đoan của thiên tai; thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn, do đó, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này còn góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để: Phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực đầu tư cho hòng, chống thiên tai và đê điều nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động của thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam và thực hiện tốt cam kết, thỏa thuận quốc tế.

Theo  D.T/kinhtenongthon.vn