Cần xây dựng cơ chế tăng tín dụng cho hộ nông dân

Cần xây dựng cơ chế tăng tín dụng cho hộ nông dân
Sáng 8/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của nhiều bên gồm đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện các hiệp hội, ngành nghề chăn nuôi, lúa gạo, thủy sản nhằm đánh giá một cách toàn diện, nhìn nhận những khó khăn đồng thời thống nhất các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng nông thủy sản.

 
 
(Ảnh minh họa: Duy Khương/TTXVN)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, áp lực thị trường suy yếu và xu hướng giảm giá đang ảnh hưởng đến giá xuất khẩu (nhất là đối với gạo trắng) của tất cả các nước xuất khẩu gạo lớn. 

Trong năm tháng đầu năm 2013, xuất khẩu gạo trong nước đạt 2,79 triệu tấn, tăng 1,14% về số lượng, tăng 4,65% về trị giá so với cùng kỳ 2012. Đến hết ngày 31/5, tổng lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp là 1,707 triệu tấn. Chính áp lực tồn kho và tình trạng giá xuất khẩu giảm đang là nguyên nhân tạo áp lực giảm giá lên thị trường nội địa.

Tình hình sản xuất chăn nuôi cũng đang gặp nhiều khó khăn và có xu hướng giảm dần do dịch bệnh tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng, gây tâm lý lo ngại với người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm. 

Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế làm giảm sức mua của thị trường thực phẩm cộng với sự gia tăng của sức sản xuất chăn nuôi dẫn đến cung vượt cầu, làm người chăn nuôi thua thiệt. 

Người chăn nuôi còn phải đối mặt với tình trạng giá các nguyên liệu đầu vào, nhất là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, tình trạng thiếu vốn trong khi lãi suất tín dụng cao... 

Theo thống kê, cả nước hiện có 2,59 triệu con trâu, giảm 2,54%; đàn bò có 5,14 triệu con; giảm 2,16% so với cùng kỳ. Đàn lợn khôi phục chậm, tổng đàn đạt 26,98%, tăng 1,08% so với thời điểm 1/4/2012.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy tổng sản lượng thủy sản năm tháng đầu năm đạt hơn 2 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2012. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản đang gặp khá nhiều khó khăn; thị trường cá tra và tôm đang thiếu vốn; người dân và doanh nghiệp sản xuất cầm chừng đối với cá tra, tôm nhằm giảm thiểu rủi ro. Tiêu thụ hàng hóa chậm, thanh toán bị kéo dài tạo sức ép trong việc thu hồi vốn và tái đầu tư; rào cản kỹ thuật từ các thị trường EU, Mỹ, Nhật…dịch bệnh hoành hành là những khó khăn người chăn nuôi đang đối mặt. 

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ sớm thực thi những giải pháp để kịp thời can thiệp, nhanh chóng tháo gỡ nút thắt ở các khâu đầu tư, sản xuất, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật là các biện pháp tài chính, hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp duy trì sản xuất như tăng số lượng các dự án cho vay theo đề án sản xuất có lợi; gia hạn vay; tăng mức tín dụng đối với nông dân trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khoanh nợ, giãn nợ để tái đầu tư...

Đại diện các ngành hàng cũng đề nghị Chính phủ có biện pháp hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các vùng lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang cây trồng khác lợi ích kinh tế cao hơn; khai thông thị trường, kích cầu tiêu thụ thực phẩm…

Nhằm kích cầu tiêu thụ, các hiệp hội cũng mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, củng cố và phát triển các thị trường truyền thống, các thị trường EU, Nhật, Mỹ và phát triển mở rộng các thị trường mới như Đông Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định ngoài những khó khăn đã phân tích, điều kiện khí hậu được dự báo trong năm 2013 cũng đã đang và tiềm ẩn những yếu tố bất lợi cho sản xuất nông nghiệp như hạn hán nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; dự báo năm nay số lượng bão lũ nhiều hơn mọi năm. 

Trên thị trường thế giới, nhu cầu nhập khẩu gạo chậm lại do các quốc gia đang từng bước thay đổi chính sách theo hướng chủ động trong sản xuất gạo, lương thực... 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. 

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng cơ chế tăng tín dụng cho hộ nông dân; đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp triển khai quyết liệt việc rà soát, đánh giá các hồ sơ xin cấp vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn của các hộ nông dân, hộ sản xuất và các giải pháp tài chính để người nông dân tiếp tục chu kỳ sản xuất mới.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, tổ chức thực hiện nghiêm túc quyết định thu mua gạo tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm kích thích nhu cầu gạo trong thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân. Các hiệp hội, ngành hàng cần phát huy nhiều hơn nữa vai trò, vị trí và khả năng của mình, chủ động tham gia công tác quản lý, điều hành sản xuất; không ngừng mở rộng thị trường tiềm năng; tăng cường đàm phán, đấu tranh giảm rào cản, tác động thương mại.

Các hiệp hội chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng nhằm kịp thời truyền tải thông tin chính thống, đầy đủ, toàn diện về nguồn, giá cả và chất lượng thực phẩm sản xuất trong nước để người kinh doanh, người tiêu dùng yên tâm lựa chọn và kích cầu xuất khẩu./.
 
Quang Vũ
(Theo TTXVN)