Những vụ bơm tạp chất vào tôm bị phát hiện
Từ công tác nghiệp vụ, ngày 29/3/2019, Đội 4 - Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh thuỷ sản Thanh Ngát ở xã Phù Lỗ (Sóc Sơn) đang bơm tạp chất vào tôm.
Chủ cơ sở đã khai báo với cơ quan chức năng về hoạt động bơm tạp chất vào tôm. Theo đó, hàng ngày bà Ngát cho nhân viên của mình đi nhập tôm tại một đầu mối cung cấp thủy sản tại sân bay Nội Bài, sau đó đem về phân loại.
Đối với những con tôm đã chết, bà Ngát chỉ đạo nhân viên sử dụng một gói bột màu trắng, khuấy đều vào nước và dùng máy bơm bơm vào tôm để tăng trọng lượng, sau đó đóng gói và chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh thành lân cận.
Được biết, cơ sở này hoạt động từ tháng 8/2018, hàng ngày bán khoảng 50-60kg tôm bơm tạp chất, thu lãi từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.
Trước đó, khoảng 20h ngày 9/1, Đội 6, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC05 - Công an thành phố Hải Phòng) phối hợp Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng) kiểm tra, phát hiện cơ sở buôn bán tôm của bà Nguyễn Thị Hạnh (ở phường Tràng Cát, quận Hải An) thuê địa điểm kinh doanh tại số 1835 Ngô Gia Tự, phường Nam Hải (Hải An) đang bơm tạp chất vào tôm.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà Nguyễn Thị Hạnh cùng 2 người làm thuê là Nguyễn Văn Nên và Trần Văn Thức (đăng ký hộ khẩu tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) dùng kim tiêm bơm trực tiếp tạp chất vào 60kg tôm chết.
Theo lời khai của chủ cơ sở, số tôm này chủ yếu bán cho nhà hàng, khách sạn, cơ sở ăn uống ở Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Việc làm trên đã được cơ sở này thực hiện từ cuối năm 2018 đến nay.
Đoàn kiểm tra lập biên bản vụ việc, tịch thu toàn bộ tang vật và phương tiện, gồm 60kg tôm đã bơm tạp chất, 1 máy nén khí, 1 bình chứa tạp chất, gần 30 xi lanh, nhiều túi tạp chất.
Sau 2 năm thực hiện Đề án “Kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất”, theo báo cáo của 4 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang cho thấy, qua kiểm tra, phát hiện 177 vụ vi phạm về bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, xử phạt với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.
Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, các địa phương đã triển khai có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu.
Ngoài ra, chưa có trường hợp nào được áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với chính quyền cấp huyện, xã để xảy ra vi phạm vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, quyết liệt.
Sự nguy hiểm khi ăn tôm bơm tạp chất
Các chuyên gia khuyến cáo, tôm có tạp chất có nguy cơ ngộ độc, tiêu chảy và nhiễm trùng máu.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, việc bơm tạp chất vào tôm trước hết phải nói đến là hành vi gian lận thương mại. Loại tạp chất thường được sử dụng để bơm vào tôm giúp tôm thêm cân nặng chính là bột agar hay còn gọi là bột rau câu.
"Đây là loại bột có thể ăn được, nếu ăn tôm có bơm ít tạp chất là bột agar thì chúng ta cũng không cần thiết phải quá lo lắng", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói. Tuy nhiên, hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi cho cá nhân thì nhất thiết phải lên án. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khẳng định, việc ăn tôm bơm tạp chất về lâu dài cũng có thể gây nguy hại đường tiêu hóa, nhẹ thì ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nặng hơn có thể tích tụ chất độc, chất bẩn trong người gây bệnh mãn tính.
Theo các chuyên gia về thủy, hải sản, khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.
Cụ thể, vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả, vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, ngộ độc, tiêu chảy, nhiễm trùng máu. Vi khuẩn shigella gây bệnh kiết lị, vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…
Ngoài ra, việc ngâm giữ tôm trong hàn the, ure… cũng làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính. Ure tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mạn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, gây bệnh gan, thận…
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản cho rằng, hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của ngành hàng tôm Việt Nam. Vì vậy, cần kiên quyết, xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm. Các địa phương cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra về bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu", ông Nguyễn Như Tiệp, nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp đã được các địa phương thực hiện đề án đề xuất; trong đó, chủ yếu là: Chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền để đảm bảo người dân và doanh nghiệp hiểu đầy đủ tác hại của bơm tạp chất đối với sự phát triển của ngành tôm; thương lái và đại lý thu mua vì lợi nhuận mà bất chấp để vi phạm, do đó nếu cần thiết ban hành mới, bổ sung các hình thức xử phạt mới để đảm bảo tính răn đe...
Nhiều giải pháp đã được các địa phương thực hiện đề án đề xuất; trong đó, chủ yếu là: Chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền để đảm bảo người dân và doanh nghiệp hiểu đầy đủ tác hại của bơm tạp chất đối với sự phát triển của ngành tôm; thương lái và đại lý thu mua vì lợi nhuận mà bất chấp để vi phạm, do đó nếu cần thiết ban hành mới, bổ sung các hình thức xử phạt mới để đảm bảo tính răn đe...