Cảnh báo về “rác độc” ở nông thôn

Cảnh báo về “rác độc” ở nông thôn
Cách đây khoảng vài tháng, khi ra đồng làm ruộng, mẹ tôi bị xéo vào một chai thủy tinh đựng thuốc trừ sâu mà ai đó sau khi sử dụng hết đã quẳng xuống mương. Chiếc chai bị sứt mẻ một phần và độ sắc của nó khiến cho mẹ tôi bị một vệt cứa khá sâu dưới bàn chân. Từ hôm đó về nhà, bàn chân sưng tấy lên và nhiễm trùng khiến bà phải chữa trị rất lâu mới đỡ.
 
Ở quê tôi có nhiều trường hợp bị què, bị nhiễm trùng tương tự như vậy mà nguyên nhân chính cũng chỉ vì xéo phải “rác độc” của các vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật mà khi sử dụng xong người ta vứt xuống mương máng hay vứt lung tung khắp mọi chỗ ở đồng ruộng. Thời nay, việc canh tác sản xuất nông nghiệp thường được bà con nông dân sử dụng rất nhiều các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích... với mong muốn nâng cao giá trị kinh tế của cây trồng.
 
Các loại thuốc ấy chủ yếu được đựng trong các bao bì bằng thủy tinh, tôn, sắt mỏng... Các vỏ bao bì loại này hết sức nguy hiểm khi nó gây thương tích cho người và gia súc, đặc biệt lại rất khó phân hủy. Một số ít thì đựng trong các bao bì bằng giấy tráng bạc, nhựa. Tuy nhiên, các loại bao bì giấy, nhựa ít gây độc hại cũng như sát thương.

Theo tôi được biết thì tại một số địa phương ở Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam..., bà con nông dân đã thường xuyên có những chiến dịch thu gom các loại “rác” độc hại và nguy hiểm này để thiêu hủy, đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho bà con biết được việc xả các loại bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật ra đồng ruộng, môi trường là hết sức nguy hại.

Chính vì vậy mà chính quyền ở các địa phương chưa có các “chiến dịch” đối với loại rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật hãy nhanh chóng “nâng tầm” ý thức cho bà con nông dân để họ không còn xả “rác độc” lung tung nữa. 

Bài và ảnh:Phan Hoàng Diệu (Đông Anh, Hà Nội)
Theo 
suckhoedoisong.vn