Cánh đồng mẫu lớn ẩn chứa nhiều rủi ro
- Thứ năm - 19/07/2012 10:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ý tưởng về một cánh đồng rộng lớn với hàng ngàn nông dân tập trung sản xuất đã có từ lâu ở nước ta. Tuy nhiên cho đến tận bây giờ, việc triển khai và nhân rộng mô hình này vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại từ nhiều phía, từ doanh nghiệp, Nhà nước cho đến người nông dân.
Vắng sự liên kết
Mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" là cụ thể hóa việc sản xuất tập trung, nơi doanh nghiệp và nông dân hợp tác sản xuất theo hợp đồng ràng buộc với mục đích hai bên cùng có lợi. Người nông dân tập trung sản xuất thành những cánh đồng lớn, còn doanh nghiệp có nhiệm vụ lo các khâu còn lại: từ cung cấp giống với giá ổn định, hướng dẫn kỹ thuật canh tác để bảo đảm chất lượng, phục vụ sau thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo giá thỏa thuận.
Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ bảo đảm được chất lượng của sản phẩm còn nông dân thì an tâm về đầu ra, mối quan hệ lại được duy trì thông qua hợp đồng nên có độ tin cậy cao hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế "Cánh đồng mẫu lớn" vẫn ẩn chứa tính rủi ro cao. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân chỉ được tuân thủ khi giá cả ổn định, còn khi thị trường có biến động, giá lúa giảm, công ty tìm cách bỏ hợp đồng, còn giá lúa tăng, nông dân lại tìm cách bán tháo, không bảo đảm được chất lượng sản phẩm.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho rằng, nên nhìn nhận thẳng vào sự thật, đó là thị trường nông nghiệp trong nước còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, mối quan hệ giữa các chuỗi còn rất lỏng lẻo, từ khâu sản xuất, cung ứng cho đến tiêu thụ sản phẩm vẫn còn yếu, dễ bị tổn thương, gây nguy hại cho cả người nông dân lẫn doanh nghiệp.
Đối với người nông dân, rủi ro là tính giá trị pháp lý rất thấp của bản hợp đồng với doanh nghiệp. Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, địa phương thành công nhất trong việc thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn thẳng thắn nhận xét: "Các bản hợp đồng giữa nông dân với doanh nghiệp chỉ mang ý nghĩa hướng dẫn bà con nông dân làm gì là chủ yếu. Những bản hợp đồng nhiều chữ, nhiều lý lẽ như thế mà đem đi kiện thì bà con nông dân thua là cái chắc".
Còn đối với doanh nghiệp, việc triển khai "Cánh đồng mẫu lớn" đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn lớn, chấp nhận chịu thua lỗ trong một vài vụ đầu tiên để hướng tới lợi ích lâu dài. Hiện tại số lượng doanh nghiệp có khả năng đầu tư lớn như vậy là không nhiều, đấy là chưa kể mối nguy từ thiên tai, mất mùa, dịch bệnh,... cộng sự xung đột lợi ích giữa những nhà đầu tư ngắn hạn, muốn kiếm lời nhanh trong khi mô hình đòi hỏi đầu tư lâu dài khiến việc thực hiện càng khó khăn.
Chính sự thiếu liên kết giữa người trồng lúa với doanh nghiệp khiến việc thí điểm cánh đồng mẫu lớn cũng chưa thực sự đạt hiệu quả cao, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc.
Cần có thương hiệu riêng
Dù còn nhiều vấn đề trong quá trình phát triển nhưng có thể nói cánh đồng mẫu lớn là bước thay đổi quan trọng cần khuyến khích trong tổ chức sản xuất nông nghiệp ở nước ta, từ hướng nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung hơn để tạo ra hàm lượng giá trị cao hơn cho các sản phẩm lúa gạo của Việt Nam.
Ý tưởng về một cánh đồng rộng lớn với hàng ngàn nông dân tập trung sản xuất không phải lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước chúng ta cũng đã từng mong muốn xây dựng một mô hình tập trung như vậy.
Trên thế giới, những mô hình tương tự "Cánh đồng mẫu lớn" cũng đã được áp dụng ở hầu hết các nước phát triển, không chỉ trong lúa gạo mà nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khá như chè, cà phê, rượu, pho mát,...
Theo TS. Vũ Trọng Bình, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), để xây dựng thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn, đòi hỏi doanh nghiệp và người nông dân phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ, để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu riêng. Bởi chỉ khi sản phẩm đạt được một tiêu chuẩn nhất định, tạo ra một thương hiệu cho riêng mình thì mới tạo ra được giá trị cao hơn, đem lại lợi nhuận lớn hơn.
"Hãy nhìn các quốc gia từng thực hiện những mô hình tương tự, hàng nghìn nông dân làm việc trên một diện tích rất lớn, nhưng chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất. Chính điều này bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của họ. Vì vậy, chỉ có những doanh tiềm lực tài chính, tạo ra sản phẩm dưới một yêu cầu chất lượng nhất định, một hệ thống nhất định thì mới đủ sức và uy tín để làm "Cánh đồng mẫu lớn" với nông dân; còn những doanh nghiệp mua bán theo tính chất thời vụ như buôn bán ngoài chợ thì không thể tham gia được", ông Bình nhận định.
Cũng theo ông Bình, vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng, bên cạnh những chính sách xây dựng, khuyến khích mô hình này, một vấn đề đặt ra là phải có những chỉnh sửa trong quy hoạch đô thị ở nước ta.
"Một vấn đề ở Việt Nam là việc đất nông nghiệp vẫn "dính" vào đất đô thị mà không có sự tách bạch. Điều này đang gây khó cho người nông dân vì lúc nào cũng trong nguy cơ bị thu hồi đất. Nhà nước cần phải có những cam kết trong một thời gian dài như 50 năm, 100 năm sau đấy vẫn là đất nông nghiệp, không biến thành đất đô thị thì người nông dân mới có thể tập trung lại với nhau và yên tâm sản xuất".
Nguồn : vef.vn