Câu chuyện đầu ra nông sản
- Thứ ba - 17/02/2015 20:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lựa chọn thanh long xuất khẩu |
Những điều day dứt...
Năm 2014, tại Bình Định, ớt chín đỏ, nhưng nhiều hộ dân chán nản không buồn thu hoạch, bởi không có nguồn tiêu thụ, lại tốn tiền thuê nhân công thu hái, trong khi giá ớt giảm 20 lần, chỉ còn 2.500 đồng/kg.
Tỉnh Vĩnh Long cách đây không lâu, giá khoai lang (củ) lên đến 1,2 triệu đồng/tạ, thậm chí củ khoai hư hỏng cũng đắt hàng, tạo nên những “cơn sốt” khiến nhiều nông dân ồ ạt bỏ lúa hoặc các loại hoa màu khác chuyển sang trồng khoai lang. Chẳng bao lâu, giá khoai lang rơi thẳng đứng, chỉ còn 10.000-30.000 đồng/tạ, khiến nông dân thu nhập không đủ trả tiền thuê đất và chi phí trồng khoai…
Những câu chuyện tương tự đã xảy ra ở nhiều loại mặt hàng: rau quả, sữa bò… rồi đến cả việc các xe chở hoa quả ùn ứ ở cửa khẩu do thông quan chậm… Hậu quả là nhiều loại cây trồng bị chặt bỏ để trồng cây mới một cách ồ ạt nên sự “xoay vòng” được mùa mất giá lại tái diễn…
Nếu loại trừ các lý do chặt, tỉa cây già để trồng thay thế theo yêu cầu kỹ thuật và vòng quay sinh trưởng tự nhiên hoặc loại bỏ sản phẩm không bảo đảm chất lượng, thì việc trồng rồi chặt bỏ là thể hiện rõ tình trạng bị động, thiếu ổn định vững chắc của thị trường tiêu thụ trong ngành nông nghiệp nước ta.
Lý do thì đa dạng, nhưng nổi bật vẫn là do cách làm ăn bột phát theo phong trào và thiếu đầu tư đồng bộ, nhất là cho khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt là thiếu các hợp đồng bao tiêu sản phẩm bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định, có tính pháp lý cao.
Ngay quy hoạch cấp tỉnh cũng chỉ dừng ở việc phát động trồng bao nhiêu ha và bao thầu mua giống ở đâu, còn khâu thu hoạch và chế biến, xây dựng thương hiệu, tổ chức tiêu thụ ra sao thì không rõ, phó mặc thị trường hoặc căn cứ theo hợp đồng miệng.
Sự liên kết vùng, hình thành chuỗi cung ứng và hợp tác giữa 3-4 “nhà”… hầu hết cũng chỉ dừng ở quyết tâm, định hướng và nguyên tắc mà chưa được tổ chức triển khai, cụ thể hóa thành các phương án, hợp đồng đi kèm chính sách và quy hoạch, kế hoạch cụ thể.
Đấy là chưa kể, có những phong trào chuyển đổi cơ cấu “trồng cây gì, nuôi con gì” là do chính quyền địa phương “quyết đoán nhanh”, trên cơ sở thấy người ta làm gì mình làm nấy, mà chưa có phân tích thị trường, điều tra thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và luận chứng kỹ thuật thận trọng, nên cây sớm chết yểu, chất lượng thấp, giá chóng hạ, tắc nghẽn đầu ra.
Tình trạng nuôi trồng đại trà, thu gom và xuất thô nông thủy hải sản vẫn là đặc trưng trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, khiến người nông dân không chỉ khó tiêu thụ, mà còn phải bán vội và thua thiệt trong bán hàng vì giá trị gia tăng thấp, có khi còn bị ép giá. Ngay việc tiếp thu công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản được phía bạn tận tình chuyển giao cũng không đến nơi đến chốn, khiến cá ngừ bắt được vẫn chủ yếu phải bán rẻ bằng 1/5 giá xuất sang Nhật Bản dó cá không được sơ chế tuân thủ đúng cách, bảo đảm chất lượng.
Ở Nga, người tiêu dùng bình thường ít khi dám mua cả nải chuối nhập khẩu vì đắt đỏ. Mùa đông, họ phải mua bắp cải và cà chua, cà rốt, ớt với giá 5 USD/kg, đắt gấp hàng chục lần ở Việt Nam. Ở nhiều nước trên thế giới, một số mặt hàng trái cây Việt Nam như thanh long, nhãn, vải, xoài được ưa chuộng, nhưng không có để bán.
Hàng Việt dù tốt, rẻ, ngon, nhưng vẫn dễ bị thua thiệt so với các hàng tương tự của nước khác bởi yếu thế về hợp đồng tiêu thụ, bất cập về công nghệ bảo quản và vận chuyển, lạc hậu về phương thức phân phối, tiêu thụ,với kiểu bán hàng đổ đống, không bao bì, nhãn mác, thương hiệu, không áp phích, poster thông tin, giới thiệu nguồn gốc, chất lượng.
Ngày 31/1/2015, ngư dân Bình Định XK lô cá ngừ đại dương thứ 2 sang Nhật Bản. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số 100 con cá ngừ đánh bắt được, các chuyên gia Nhật chỉ chọn được 7 con đạt chuẩn. Ảnh: VGP |
Người sản xuất cần gì?
Tình trạng trồng rồi chặt bỏ và được mùa rớt giá kéo theo nhiều hệ lụy xấu, không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho người dân, mà còn làm giảm khả năng hình thành vùng sản xuất tập trung và phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu quốc gia và giảm sút hiệu quả đầu tư xã hội, trong khi làm tăng áp lực an sinh xã hội và kéo dài tình trạng nghèo đói và tái nghèo vì nợ nần, thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh nông sản của nông dân.
Nước ta có hàng chục viện nghiên cứu và trường đại học liên quan đến khoa học nông nghiệp, chưa kể mỗi tỉnh đều có Sở Khoa học và Công nghệ, kinh phí NSNN hàng năm sử dụng rất lớn.
Cùng với đó, chủ trương kết hợp nghiên cứu, giảng dạy với thực tế đã có, nhưng những giải pháp công nghệ thiết thực cho chế biến, bảo quản và vận chuyển nông sản vẫn thiếu vắng, mới chỉ ứng dụng được với một vài sản phẩm như nhãn, vải và bước đầu là cá ngừ đại dương...
Trong khi đó, người nông dân đang khao khát công nghệ chế biến, bảo quản của Nhật Bản, những công nghệ đông lạnh tế bào có thể bảo quản rau quả vài năm, khi rã đông vẫn tươi nguyên, giữ được giá trị dinh dưỡng; hoặc chỉ với túi nylon nano, với ít hơi nước nhưng có thể giữ cho trái cây có thể tươi như mới cả tháng mà rất an toàn cho người sử dụng.
Giá công nghệ rất đắt, nhưng Việt Nam thực sự cần phải đầu tư, nếu không muốn để người nông dân mãi nghèo, nông nghiệp không hấp dẫn doanh nghiệp vì lợi nhuận quá thấp.
Đầu tư, tiếp thu, tuân thủ và đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo quy trình khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sau thu hoạch; nâng cao năng lực vượt các hàng rào kỹ thuật, chinh phục thị trường bằng chất lượng và giá cả, cũng như sự ổn định nguồn cung và các dịch vụ hậu mãi; củng cố mối quan hệ liên kết tạo chuỗi cung ứng khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn… đã, đang và sẽ vẫn là mấu chốt hàng đầu, là nút thắt để giải bài toán nâng cao chất lượng, hạ giá thành nông sản, chấm dứt “điệp khúc buồn” trong nông nghiệp Việt Nam thời cách mạng công nghệ thông tin và hội nhập./.
TS Nguyễn Minh Phong
Theo chinhphu.vn