Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), trung bình mỗi năm chúng ta đang tiêu thụ tới 10 triệu tấn thức ăn chăn nuôi “ngoại”. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2015 đã nhập khẩu gần 6 triệu tấn. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng việc đưa cây biến đổi gen - cụ thể là các giống bắp chuyển gen vào sản xuất là một giải pháp để Việt Nam khắc phục tình trạng “đói” nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trợ giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định giá cả cũng như thị trường thực phẩm, tác động nhiều mặt tới nền kinh tế - xã hội.

Thực tế từ lâu Chính phủ cũng đã có các chủ trương chính sách về đẩy mạnh áp dụng tiến bộ công nghệ sinh học để tạo đột phá năng suất cho nền nông nghiệp. Mới đây, sau khi vượt qua nhiều luồng dư luận trái chiều cũng như phản biện của các chuyên gia và nhà khoa học, Bộ NN-PTNT cùng Bộ TN-MT đã chấp thuận phê duyệt các giống bắp biến đổi gen của hai tập đoàn đa quốc gia đến từ Mỹ là Monsanto và Syngenta đủ điều kiện làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Cuối tháng 3-2015, lần đầu tiên Bộ NN-PTNT công bố quyết định cho phép Công ty TNHH Syngenta Việt Nam được chính thức đưa giống bắp biến đổi gen ra đồng ruộng, bán các giống bắp chuyển gen cho bà con nông dân để trồng diện rộng theo dạng thương mại. 

Tuy nhiên, hiện ở nhiều nước vẫn đang xuất hiện các làn sóng đòi tẩy chay cây biến đổi gen, cho rằng việc phổ biến các sản phẩm này sẽ để lại những hậu quả nguy hại lâu dài về sức khỏe, di chứng di truyền đối với con người cũng như môi trường... Ở trong nước còn tồn tại những luồng quan điểm khác nhau, người dân vẫn chưa an tâm về cây biến đổi gen, chưa được “tâm phục khẩu phục”. TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho biết toàn thế giới hiện đã có 28 nước chính thức cho trồng cây biến đổi gen và Việt Nam trở thành nước thứ 29. Ngay cả những quốc gia lớn như Mỹ, Canada, Brazil, Argentina, Trung Quốc, Ấn Độ… cũng đang trồng cây biến đổi gen. Hiện 34 nước đã chính thức cho sử dụng thực phẩm biến đổi gen, trong đó EU gồm 28 quốc gia được tính là một nước. 

Câu chuyện đặt ra hiện nay là các cơ quan chức năng của Việt Nam đang quản lý các sản phẩm biến đổi gen như thế nào, tinh thần trách nhiệm đến đâu? Tại Nhật Bản hay EU, tất cả sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen đều phải được dán nhãn để phân biệt. Để đảm bảo an toàn, Chính phủ cũng đã ra nghị định giao Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm tổ chức dán nhãn cho sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen. Trong khi đó, theo đại diện Bộ NN-PTNT, không phải bây giờ mới xới lên câu chuyện trồng bắp biến đổi gen mà từ hơn 15 năm nay, sản phẩm này đã âm thầm tràn vào nước ta thông qua nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ông Nguyễn Đồng Quảng, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, năm 2014 Việt Nam nhập khoảng 4,3 triệu tấn bắp, 3 triệu tấn đậu tương và khô dầu đậu tương chủ yếu từ các nước có trồng nhiều bắp và đậu tương chuyển gen như Mỹ, Canada, Argentina. Cơ quan quản lý cho rằng, phần lớn hàng nhập về chỉ để làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng nhiều người dân lại đang nghi ngại việc đậu tương chuyển gen đã và đang được chế biến thành sữa đậu nành và các sản phẩm thức ăn cho người tại các nhà máy và cơ sở tư nhân, liệu có đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Cho đến nay, hầu như chưa có sản phẩm nào được dán tem xác nhận nguồn gốc. Các cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc để giúp người tiêu dùng có thể nhận dạng đâu là sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen. Trong khi nếu bằng mắt thường thì không thể phân biệt được đâu là sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen, đâu là sản phẩm bình thường, chứ chưa nói thực phẩm đã được chế biến từ cây biến đổi gen!

Rõ ràng, một khi còn chưa chắc chắn về tính an toàn, chúng ta nên rạch ròi giữa sản phẩm có thể làm thực phẩm và chỉ dùng vào mục đích chăn nuôi. Các nhà khoa học, các cơ quan chức năng cần đưa ra thêm nhiều bằng chứng xác thực để giải đáp thỏa đáng câu hỏi của người dân về sản phẩm biến đổi gen. Bởi đây là chuyện hệ trọng, có liên quan tới sức khỏe giống nòi, giá trị tồn sinh lâu dài. Hạt bắp chuyển gen nhỏ bé nhưng thậm chí nó còn quan trọng hơn cả những chuyện đang làm nóng nghị trường như xây sân bay Long Thành, cắt rừng quốc gia làm thủy điện, các dự án ngàn tỷ đồng trùm mềm đắp chiếu… 

Trên thực tế cho đến nay, cây bắp biến đổi gen vào Việt Nam mặc dù được các cơ quan như Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT yêu cầu tiến hành khảo nghiệm, đánh giá tác động môi trường, nhưng thực ra vẫn chỉ căn cứ trên mục đích sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, chứ chưa có công trình khảo nghiệm đánh giá nào trên góc độ sức khỏe con người nếu sử dụng làm thực phẩm? Chúng ta cũng chưa có đủ thời gian và điều kiện để đánh giá và kiểm chứng về mặt ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Trong khi đó, với một nền sản xuất nông nghiệp manh mún, tự phát như của Việt Nam hiện nay, liệu có đảm bảo bắp được trồng làm thức ăn chăn nuôi sẽ không chuyển sang thực phẩm - bánh kẹo, ai sẽ theo dõi giám sát quá trình tổ chức sản xuất - chế biến và tiêu thụ loại sản phẩm đặc biệt này? 

Cũng cần lưu ý rằng, một khi đã chấp nhận cho trồng cây biến đổi gen, chúng ta sẽ mất lợi thế cạnh tranh là một nước nông nghiệp không có cây biến đổi gen. Nếu việc quản lý sản phẩm, dán tem dán nhãn không tốt, định hướng cho nông dân không rõ ràng…, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu nông sản ra thế giới.

PHÚC HẬU
theo sggp

- See more at: http://sggp.org.vn/theodongthoisu/2015/6/385541/#sthash.rOJUQbvv.dpuf