Chậm đổi mới, nhiều HTX hoạt động “được chăng hay chớ”!

Chậm đổi mới, nhiều HTX hoạt động “được chăng hay chớ”!
Những nữ thủ lĩnh trong kinh tế tập thể (KTTT) thời gian qua đã khẳng định vai trò, vị trí của mình vào sự phát triển chung của KTTT. Tuy vậy, nếu không muốn “giẫm chân tại chỗ” thậm chí tụt hậu, người đứng đầu cần phải thay đổi tư duy, tự đổi mới trong các hoạt động SXKD.

cham doi moi nhieu htx hoat dong duoc chang hay cho

Do nhiều nguyên nhân nên HTX Thành Đạt (TX Hồng Lĩnh) phải tạm ngừng hoạt động

Vì đâu nên nỗi?

Tâm lý trông chờ, ỷ lại của không ít nữ giám đốc chính là nguyên nhân lớn nhất “đẩy” nhiều HTX rơi vào thế lao đao. Bên cạnh đó, thay vì mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu tìm thêm hướng đi mới, một số nữ giám đốc HTX lại để đơn vị mình rơi vào cảnh “được chăng hay chớ”. HTX Môi trường xã Trung Lộc (Can Lộc) là một ví dụ.

Lý giải về sự yếu kém này, Giám đốc Lương Thị Nhung cho hay: “Hoạt động chỉ đơn thuần thu gom rác thải, kinh phí nhìn vào nguồn hỗ trợ và đóng nộp của dân (mỗi tháng 10 ngàn đồng/hộ và chỉ 70% hộ nộp). Thêm nữa, HTX phải vận chuyển rác xuống bãi tập kết của huyện nên tiền thu chỉ đủ trả lương, các hoạt động khác phải bù lỗ. Còn phát triển ngành nghề khác thì chúng tôi chưa nghĩ đến”.

Hiện nay, một loạt HTX môi trường có nữ làm giám đốc như các HTX: Xã Song Lộc (Can Lộc), xã Nam Hương (Thạch Hà) , xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh)… cũng trong tình trạng tương tự. Khi người đứng đầu không tính đến việc mở mang ngành nghề SXKD mới mà chỉ vin vào nguồn thu ít ỏi từ môi trường và chờ… hỗ trợ từ cấp trên thì HTX không thể khá lên được cũng là lẽ đương nhiên.

Bên cạnh đó, thì “già hóa” cũng là thực trạng báo động của đội ngũ nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh hiện nay. Không ít chị em trên 50, 60 tuổi mới “tập” làm quản lý và đây là lực cản đối với sự phát triển KTTT.

Bà Bùi Thị Thao (52 tuổi), Giám đốc HTX Thành Đạt (TX Hồng Lĩnh) ngán ngẩm: “Ý định đầu tư nhà lưới trồng rau sạch bất thành do không có hỗ trợ từ các cấp và nuôi đà điểu liên kết “gãy” giữa chừng nên HTX đã rơi vào “ngõ cụt”. Khi thành lập có 10 thành viên, nay thua lỗ, rút dần còn 5. Đơn vị hiện phải ngừng hoạt động do nợ thuế. Tuổi đã cao, vốn không có, lại nợ nần chồng chất, tôi không biết xoay xở thế nào…” .

Đổi mới tư duy, trẻ hóa cán bộ

Được biết, trong số khoảng 430 HTX có nữ làm giám đốc, chỉ khoảng 50% là hoạt động khá tốt, phần còn lại đang cầm chừng, thậm chí có đơn vị tạm ngừng hoạt động. Rõ ràng, nếu người đứng đầu cứ thụ động thì HTX thu không đủ chi mãi là bài toán nan giải và đã đến lúc cần sự thay đổi đúng nghĩa.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Xuân Hồng nhấn mạnh: “Rất cần ở nữ thủ lĩnh sự đổi mới tư duy kinh doanh, phương pháp quản lý theo hướng bài bản, đúng luật và sự chủ động cập nhật thông tin, thị trường, tiếp cận kịp thời chính sách mới. Ngoài ra, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan cần đồng hành định hướng, tư vấn, hỗ trợ họ trong việc mở hướng kinh doanh mới, hiệu quả gắn xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm... ”.

Nói về hướng phát triển đội ngũ nữ cán bộ HTX, bà Nguyễn Thị Nhuần – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay: “Đặt vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ cho nữ giám đốc HTX là việc làm thường xuyên, liên tục thì mới có thể thúc đẩy KTTT phát triển. Chú ý không đào tạo dàn trải mà sâu theo từng lĩnh vực, nhóm vấn đề và sau đào tạo phải đánh giá, kiểm tra chất lượng, đủ điều kiện mới cấp chứng chỉ”.

Ông Bùi Chiến Thắng - Phó Trưởng phòng Tài chính huyện Can Lộc bày tỏ: “Trẻ hóa nữ cán bộ HTX là điều cần thiết hiện nay. Bởi tuổi trẻ mới đủ sức khỏe, năng lực, nhiệt huyết và dám đương đầu với thử thách thương trường. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có cơ chế đặc thù thu hút những người trẻ tuổi đã được đào tạo bài bản qua trường lớp vào làm giám đốc HTX nhằm giảm chi phí đào tạo lại và cải thiện tốt tình hình hiện nay”.

Theo Thu Phương/baohatinh.vn