Chăn nuôi 2013: Rắn có hơn Rồng?
- Thứ tư - 13/02/2013 06:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh là Nguyễn Hồng Hà - một người chăn nuôi lợn khá lớn tại Văn Giang, Hưng Yên - người đã học xong thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Đài Loan (Trung Quốc) chỉ để về… nuôi lợn.
Công việc năm 2012 vừa qua đối với ngành chăn nuôi nói chung và với anh nói riêng thế nào?
- Với ngành chăn nuôi, ở các vùng miền khác nhau (Bắc – Trung – Nam) hay với các vật nuôi khác nhau (lợn, gà trắng, gà màu, trứng, vịt…) thì kết quả kinh doanh tương đối khác nhau, nhưng nhìn chung là đi xuống gần như theo phương thẳng đứng.
Với những gì tôi thu thập và cảm nhận được thì kết quả 2012 toàn ngành chăn nuôi chắc chỉ bằng 20% so với 2011. Tức năm trước làm được 10 đồng, năm qua chỉ làm được 2 đồng, hay lợi nhuận suy giảm 80%. Mức lãi này chắc chỉ bằng ½ tiền lời nếu đem gửi ngân hàng từ đầu năm. Nếu đầu năm 2012, ai đặt kế hoạch 2012 chỉ bằng 2011 thôi, thì đến cuối năm, kết quả chỉ đạt 20% so với kế hoạch. Với tôi, kết quả cũng gần gần như vậy.
Anh Nguyễn Hồng Hà |
Theo anh, tại sao ngành chăn nuôi 2012 lại khó khăn đến vậy?
- Theo tôi, có 2 lý do là Cung và Cầu, trong đó yếu tố Cầu là quan trọng nhất, đóng góp tới 70% vào sự thảm hại của ngành chăn nuôi.
Về yếu tố cung, 3 quý đầu năm 2011, chăn nuôi gặp thuận lợi, người nông dân, với đặc điểm gia nhập và rút khỏi thị trường rất dễ, đã ồ ạt tăng đàn từ nửa cuối 2011, dẫn tới nguồn cung tăng nhanh, là yếu tố làm cho giá cả hạ sâu xuống.
Tôi làm chăn nuôi lợn, nên số liệu các ngành khác không chắc lắm, nhưng nhìn chung, giá giảm từ giữa năm 2011 tới cuối năm 2012 (giảm liên tục trong 15 tháng) với tổng mức giảm khoảng gần 60%. Trong vòng 10 năm trở lại đây, chưa có giai đoạn nào ngành chăn nuôi lại có mức sút giảm về giá lâu và lớn như vậy!
Về yếu tố cầu, như tình trạng chung của các ngành trong năm, thu nhập sụt giảm thì mức độ tiêu dùng cũng sụt giảm. Đặc điểm sản phẩm của ngành là hàng hoá thiết yếu, không đến nỗi không bán được hàng, nhưng sự sẵn sàng mua giảm đi đáng kể.
Ví dụ, 1 công nhân ở khu công nghiệp, ở các công trình xây dựng, 1 nhân viên bình thường ở thành phố, hay 1 sinh viên, 1 nông dân ở nông thôn, trước đây 1 tuần, 7 ngày, có 14 bữa chính, bữa nào cũng có 1,5 lạng thịt (lợn, gà, cá, bò…), thì năm nay, thu nhập giảm, có khi chỉ 8-10 bữa có thịt, hoặc mỗi bữa chỉ còn ăn 1 lạng thịt mà thôi (thay vào đó là đậu, lạc, rau… thậm chí là nước mắm!). Việc thu nhập của đa số người dân Việt nói chung giảm sút, thì chắc chắn, ngành chăn nuôi cũng gặp khó.
Anh đánh giá thế nào về triển vọng 2013?
- Theo tôi, ở các lĩnh vực khác của nền kinh tế, tình hình 2013 có thể vẫn còn khó khăn, vẫn lình xình ở dưới đáy của suy thoái, nhưng ngành chăn nuôi sẽ có khởi sắc, sẽ chập chững từng bước nhỏ đi lên từ quý đầu.
Từ yếu tố cầu, tình hình kinh tế chung của cả nước theo nhiều chuyên gia dự đoán, 2 quý cuối năm sẽ tốt lên, nhiều doanh nghiệp từ sau tết bắt đầu rục rịch khôi phục sản xuất trở lại, theo đó, cầu sẽ tăng lên dần dần, đến nửa cuối năm, hàng hoá sẽ bán tốt hơn.
Ở mặt cung, nhiều khả năng, bà con nông dân sau 1 năm làm ăn bết bát, sẽ dè dặt trong việc tái đàn, mở rộng chăn nuôi, nên nguồn cung sẽ không quá dư thừa, ít nhất là đến hết quý 3 năm nay.
Nhìn chung, theo “linh cảm” của tôi, năm 2013, ngành chăn nuôi sẽ tốt hơn 2012 nhiều, có khả năng người chăn nuôi sẽ “kiếm được” hơn vài chục phần trăm. Tôi nghĩ con Rắn, tuy không to bằng con Rồng, nhưng chắc chắn là hơn con Rồng đất - tôi cho rằng chăn nuôi 2012 chỉ là con Rồng đất (con giun).
Trân trọng cảm ơn anh!
Thanh Xuân (Thực hiện)
danviet.vn