Chăn nuôi Việt Nam chuẩn bị gì cho cuộc chơi mới?
- Thứ hai - 30/11/2015 02:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lo ngại nhất là chăn nuôi
Nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực sẽ gặp nhiều khó khăn nhất khi tham gia TPP. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
Bản thân tôi rất chia sẻ lo ngại với các chuyên gia và bà con nông dân. Nền nông nghiệp nước ta vốn dựa trên các hộ sản xuất nhỏ lẻ, vì thế rất dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường. Trong điều kiện hội nhập, giảm thuế, tự do hóa thương mại thì hàng hóa giá rẻ của các nước có thể xâm nhập vào thị trường nước ta, ảnh hưởng đến thu nhập vốn đã rất nhỏ của người nông dân.
Tuy nhiên, sự lo ngại chính đáng đó có thể chỉ đúng với một số trường hợp, bởi TPP còn mở ra cơ hội xuất khẩu, môi trường cạnh tranh lành mạnh với những mặt hàng đang là thế mạnh và có khả năng cạnh tranh cao của Việt Nam như: lúa gạo, cà phê, cao su, cá, tôm, hồ tiêu, hạt điều… Trong đó, lúa gạo của nước ta có thể cạnh tranh có hiệu quả với các nước trong TPP như Nhật, Canada, Mexico.
Theo Bộ trưởng, điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?
Tồn tại lớn nhất hiện nay là các hộ nông dân chưa áp dụng được những thành tựu khoa học công nghệ tiến bộ nhất. Bên cạnh đó, phần lớn giống mà nông hộ đang sử dụng chất lượng chưa cao, quy trình nuôi cũng chưa tiến bộ…
Do vậy, chúng tôi đang thúc đẩy để đưa ra những cơ chế, chính sách hợp lý hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiếp thu một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất những thành tựu tiến bộ kỹ thuật đỉnh cao của ngành nông nghiệp, chăn nuôi các nước trên thế giới. Mặt khác, chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu công nghệ. Đồng thời cũng khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đem theo giống mới và công nghệ. Qua đó giúp doanh nghiệp, bà con nông dân Việt Nam có thể học hỏi, ứng dụng những cách làm tiến bộ nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Ảnh: Vũ Mưa
Nhiều chuyên gia nhận định, chăn nuôi là ngành đáng lo ngại nhất khi hội nhập TPP vì khả năng cạnh tranh của ngành yếu hơn so với 11 nước tham gia TPP. Bộ trưởng đánh giá gì về điều này?
Đúng là ngành đáng lo ngại nhất khi hội nhập chính là chăn nuôi. Lĩnh vực chăn nuôi của nước ta chủ yếu dựa vào các hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp, trình độ kỹ thuật không cao, dẫn đến giá thành cao, hiệu quả kém, thiếu tính bền vững.
Chủ động tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật
Vậy theo Bộ trưởng, ngành chăn nuôi Việt Nam cần làm gì để vượt qua những thách thức này?
Ngành chăn nuôi cần bình tĩnh, rà soát, tìm hướng đi phù hợp, phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu nhiệt đới, nhân công. Bên cạnh đó, cũng cần chủ động tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật của các nước có nền chăn nuôi tiên tiến. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT cũng đã cử các đoàn công tác tới làm việc với những nước có nền chăn nuôi phát triển như: Chăn nuôi lợn ở Đan Mạch; Chăn nuôi gia cầm ở Mỹ, Thái Lan; Mô hình chăn nuôi đại gia súc ở Australia… Làm việc với cộng đồng doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư vào ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp.
Bộ trưởng có đề cập đến việc doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị liên kết với hộ nông dân. Đây là mô hình hay nhưng thực hiện không dễ, thưa Bộ trưởng?
Thực tế cho thấy, chúng ta không thể tiếp tục phát triển một nền nông nghiệp có hiệu quả chỉ với những hộ nông dân đơn lẻ và sản xuất nhỏ, thiếu gắn kết thị trường. Rõ ràng, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa nông dân với doanh nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Thế nhưng, các doanh nghiệp không thể liên kết trực tiếp với hàng ngàn, hàng vạn hộ nông dân mà phải có tổ chức đại diện, đó chính là các hình thức hợp tác, trong đó có hợp tác xã. Vì thế, Bộ chủ trương tập trung xây dựng và nhân rộng những mô hình hợp tác, chủ yếu là liên kết nông dân để tham gia vào những chuỗi giá trị. Cụ thể như hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức nông dân áp dụng các quy trình để làm ra các sản phẩm đáp ứng sát hơn yêu cầu của thị trường.
Chất lượng an toàn sản phẩm trong chăn nuôi cũng là một yếu tố quan trọng cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa khi hội nhập TPP. Vậy, Bộ NN&PTNT đã và đang làm gì để khắc phục vấn đề này, thưa Bộ trưởng?
Chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đánh giá về tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đồng thời, cũng đang chỉ đạo điều tra, phát hiện đường dây buôn bán, truy đến tận cùng nguồn xuất ra thị trường của chất cấm này để xử lý. Bên cạnh đó, cũng đang tích cực tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, thấy được tác hại của việc sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
>> Theo Bộ NN&PTNT, nước ta hiện có trên 17 triệu hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, có 10,9 triệu hộ chăn nuôi gà vịt, 4 triệu hộ chăn nuôi heo và khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi bò.