Chăn nuôi những tháng cuối năm: Khó chồng lên khó

Chăn nuôi những tháng cuối năm: Khó chồng lên khó
Dịch bệnh kéo dài dai dẳng, cộng thêm tình hình nhập lậu gia cầm diễn biến phức tạp đang khiến cho ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là lứa chăn nuôi phục vụ dịp Tết Nguyên đán đang bắt đầu.

Khó khăn bủa vây
Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 296 xã, 121 huyện, quận thuộc 32 tỉnh, thành phố làm hơn 600.000 con gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy.

Hiện cả nước vẫn còn 2 tỉnh có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Đáng chú ý, virus gây bệnh đã có những biến đổi nhất định và chưa có vaccine phù hợp để tiêm phòng. Ngoài ra, dịch tai xanh cũng bùng phát kéo dài làm hơn 135.000 con lợn mắc bệnh, chết tiêu hủy.

Đến nay, cả nước còn 6 tỉnh có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.Trong khi đó, tình hình nhập lậu gia cầm vẫn đang tái diễn phức tạp. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, vào thời kỳ cao điểm, lượng gà loại thải nhập lậu qua các tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn lên tới 200 - 300 tấn/ngày.
 
 
 
Đội quản lý thị trường số 5 thu giữ gà không rõ nguồn gốc. Ảnh:  Trần Việt
 
Việc nhập lậu tràn lan đã đẩy giá lợn, gà xuất chuồng trong nước xuống thấp. Hiện, giá lợn hơi ở miền Bắc từ 43.000 - 44.000 đồng/kg, ở miền Nam 39.000 - 40.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp ở miền Bắc 29.000 - 30.000 đồng/kg, miền Nam 25.000 - 26.000 đồng/kg.

 Với mức giá này, người nông dân đang lỗ 1.000 - 3.000 đồng/kg lợn và 2.000 - 4.000 đồng/kg gà. Mặc dù giá thực phẩm xuống thấp nhưng giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay tăng 5 - 10%, khiến cho người chăn nuôi càng thêm khó khăn.

Ngay tại Hà Nội, ông Cấn Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị xử lý 130 tấn động vật không rõ nguồn gốc.

Việc gia cầm nhập lậu ồ ạt tuồn về đã khiến ngành chăn nuôi của Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đùn đẩy trách nhiệm

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là ngăn chặn nhập lậu gia cầm, ngành chăn nuôi trong nước khó trụ vững. Khi đó, việc thiếu hụt nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết hoàn toàn có thể xảy ra.

 Tuy nhiên, đáng lo ngại là theo nhận định của nhiều địa phương, hiện việc kiểm soát nhập lậu mới chỉ giải quyết được phần nổi, số lượng nhập lậu thực tế lớn hơn rất nhiều so với báo cáo.

Trong việc kiểm soát gia cầm nhập lậu, vai trò của các địa phương vùng biên, cửa khẩu rất quan trọng. Thế nhưng, tại hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và nhập lậu gia cầm qua biên giới do Bộ NN&PTNT tổ chức cuối tuần qua, ông Nông Ngọc Tăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn vẫn thản nhiên đùn đẩy trách nhiệm. "Đường biên giới trên địa bàn tỉnh quá dài, chúng tôi có phối hợp với biên phòng, hải quan nhưng kiểm soát không xuể. Chúng tôi không thể lập chuyên án, đi điều tra từng đầu nậu được. Nếu các tỉnh phía sau không có nhu cầu thì không có chuyện nhập lậu về" - ông Tăng nói.

Đáp lại ý kiến này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh, không thể đổ thừa cho lực lượng mỏng, chỉ là có dám làm hay không mà thôi! Cũng theo ông Tần, nhiều địa phương, đơn vị, chưa làm hết trách nhiệm, còn quản lý lỏng lẻo, có nhiều kẽ hở để thương lái lách luật. Thời gian tới, để chấm dứt tình trạng nhập lậu, "giải cứu" ngành chăn nuôi trong nước, các tỉnh phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát liên ngành, bắt giữ các đầu nậu để giải quyết tận gốc. 
 
Thiên Tú
 
Theo ktdt.com.vn/