Chắp cánh cho đam mê khởi nghiệp

Chắp cánh cho đam mê khởi nghiệp
Sau hơn một năm thực hiện chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay hỗ trợ thanh niên và phụ nữ khởi nghiệp, Bắc Ninh có hơn 100 dự án được vay với số vốn hơn 70 tỷ đồng.

Trong đó phụ nữ có 76 dự án (49,8 tỷ đồng), thanh niên 33 dự án (21 tỷ đồng). Nguồn vốn thực sự là động lực chắp cánh cho những đam mê khởi nghiệp.

2148.jpg
Dự án khởi nghiệp của Hoàng Thị Thúy được NHCSXH tỉnh giải ngân cho vay vốn.

8x khởi nghiệp từ dự án môi trường

“Tìm về cội nguồn hướng tới tương lai” là slogan của Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn công nghệ môi trường ETECH do Hoàng Thị Thúy, sinh năm 1988, làm Giám đốc điều hành. Khởi nghiệp ở tuổi 24, nhưng Thúy đã ghi dấu được thành công hơn sự kỳ vọng sau 6 năm đi vào hoạt động. Sinh ra ở làng quê nông thôn thuộc xã Bình Định (huyện Lương Tài), sau khi có bằng cử nhân khoa Môi trường của Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Thúy xin vào làm ở một số doanh nghiệp FDI.

Sự khởi đầu này cho Thúy cơ hội bổ sung kiến thức trong nhiều lĩnh vực, tiếp cận phong cách làm việc trách nhiệm, hiệu quả của người nước ngoài.

Nhận thấy Bắc Ninh có nhiều tiềm năng để khai thác lĩnh vực tư vấn môi trường, năm 2013, Thúy quyết định thành lập công ty hoạt động trên 5 lĩnh vực chính là: Tư vấn môi trường, quan trắc môi trường, quan trắc môi trường lao động, huấn luyện an toàn và thiết kế, chuyển giao các hệ thống nước thải, khí thải.

Ý tưởng hay thường đi kèm với những điều kiện khó, Thúy cũng không ngoại lệ khi liên tiếp vấp phải những khó khăn, song được hỗ trợ vay vốn, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, ngành chức năng cộng với niềm đam mê và quyết tâm không chịu lùi bước, Thúy đã thành công.  Thúy chia sẻ: Tôi rất vui vì chính sách ưu đãi của tỉnh đã quan tâm tới các dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
 

Số vốn 2 tỷ đồng, mức vay tối đa theo quy định của Đề án đã giúp nâng tầm, mở rộng quy mô “dự án khởi nghiệp” của mình. Với chu kỳ vay dài, lãi suất ưu đãi, nguồn vốn thực sự là động lực chắp cánh cho những ý tưởng khởi nghiệp”. 31 tuổi, Thúy đang quản lý 1 công ty và 4 chi nhánh trên toàn quốc. Năm 2018, doanh nghiệp của Thúy được đánh giá là 1 trong những doanh nghiệp tư nhân mạnh về lĩnh vực môi trường với tổng doanh thu đạt hơn 40 tỷ đồng.

Đó là con số mà nhiều người mơ ước, nhưng với người phụ nữ trẻ tuổi, nhiệt huyết và năng động này, đây mới chỉ là thành quả bước đầu của khởi nghiệp. Thúy vừa đầu tư phòng thí nghiệm giúp phân tích các thông số về không khí, khí tượng nền, mẫu đất, nước…, tổng giá trị 10 tỷ đồng; đồng thời mở rộng kinh doanh, sản xuất nước tinh khiết đóng chai.

Biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực

Giữa cánh đồng lúa xanh mướt của xã Giang Sơn (huyện Gia Bình) 3 năm nay xuất hiện mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi chim bồ câu do anh Nguyễn Thế Dũng, thôn Du Tràng làm chủ.

Vốn là cử nhân ngành Quản trị kinh doanh (Đại học Thương mại Hà Nội), sau vài năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và xuất - nhập khẩu ở một số doanh nghiệp tại Hà Nội, Dũng quyết định về quê khởi nghiệp, mong muốn mang sức lực và trí tuệ của mình làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương.

Năm 2016, Dũng thuê 1,5ha đất công ích của xã chuyển sang trồng cây ăn quả. Thời điểm này, Dũng được NHCSXH huyện Gia Bình cho vay gần 200 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Ban đầu anh trồng cam Vinh, do không phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nên hiệu quả không cao. Dũng tiếp tục cải tạo đất và chuyển sang trồng mới 1.000 cây bưởi Hoàng và 200 cây nhãn lồng Hưng Yên.

Tháng 7/2019, Dũng được NHCSXH Gia Bình giải ngân cho vay 1 tỷ đồng theo Đề án cho thanh niên khởi nghiệp, anh đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 300 cặp chim bồ câu lai Pháp và mua thêm giống bưởi Diễn về trồng. Dũng cho biết: “Đối với những người trẻ khi khởi nghiệp, vốn là một trong những yếu tố tiên quyết cho sự thành công. Nếu không được NHCSXH 2 lần “tiếp sức” cho vay vốn thì tôi cũng không thực hiện thành công “dự án khởi khiệp” của mình…”.

Mô hình trang trại tổng hợp của Dũng năm 2018 mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng và là điểm sáng thu hút nhiều thanh niên học hỏi kinh nghiệm.

Những mô hình khởi nghiệp được tiếp sức từ nguồn vốn ngân sách địa phương như chị Thúy, anh Dũng không còn hiếm ở Bắc Ninh. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của các bạn trẻ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo lãnh đạo NHCSXH tỉnh Bắc Ninh, để tiếp tục “tiếp sức” cho các dự án khởi nghiệp, HĐND tỉnh vừa có chương trình giám sát các mô hình được vay vốn nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, cũng như lắng nghe những đề xuất, kiến nghị liên quan đến thủ tục, quy trình, thời gian, đối tượng vay vốn…, từ đó xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

Theo Minh Khôi/kinhtenongthon.vn