Chè VN lại gặp khó ở Đài Loan

Chè VN lại gặp khó ở Đài Loan
Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, do Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng cùng Cục BVTV và Sở NN-PTNT Lâm Đồng phối hợp tổ chức ngày 5.6, ông Đoàn Trọng Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Chè VN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chè Lâm Đồng, cho biết từ năm ngoái đến nay Đài Loan áp dụng mức dư lượng tối đa cho phép của hoạt chất fipronil đối với sản phẩm chè là 0,002 ppm, mức rất thấp gần như bằng không, do đó sản phẩm chè khó chen vào thị trường này, trong khi Đài Loan là thị trường nhập khẩu chè lớn của VN với trên 20.000 tấn/năm.
 
Cũng theo ông Phương, năm 2014, 2015 bên Đài Loan dựng lên tin đồn chè VN nhiễm dioxin khiến 70 container chè VN không được nhập khẩu, nay lại tiếp tục hạ dư lượng thuốc BVTV ở mức vô lý như thế... Ông Phương đề nghị Cục BVTV, Sở NN-PTNT có biện pháp khuyến cáo các hộ nông dân, đại lý thuốc BVTV làm sao để đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất chè, bởi phần lớn diện tích chè là do nông dân quản lý. Ông Phương cũng cho biết, trong vài năm qua chè Trung Quốc đã nhập vào thị trường Đài Loan, điều mà trước đây không có...
 
Ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục BVTV, cho biết Đài Loan cũng vừa có thông báo về 22 lô hàng (container) chè đen VN nhiễm dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Bộ NN-PTNT đã thành lập tổ chuyên trách điều tra, truy xuất nguồn gốc những lô hàng này để quy trách nhiệm, xử lý; trước ngày 15.6 phải có kết quả. “Liên quan đến fipronil và với quy định vô lý này thì sẽ không có lô chè nào của chúng ta có thể xuất qua Đài Loan được. Tuần tới sẽ có đoàn của Bộ NN-PTNT sang làm việc với phía Đài Loan, yêu cầu phải áp mức theo thông lệ quốc tế, nếu cao hơn thì họ phải đưa ra cơ sở khoa học”, ông Trung nói.
 
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, nói thêm với mức quy định dư lượng tối đa cho phép của Đài Loan thì chỉ cần phun xịt ở vườn bên cạnh, thuốc bay sang cũng đủ để lại dư lượng như vậy. Tuy nhiên, vấn đề là fipronil không được khuyến cáo sử dụng trên cây chè, nên phải tìm hiểu nông dân có sử dụng loại thuốc này không, nếu có thì để trị bệnh gì nhằm tìm loại thuốc khác thay thế...
Theo: nongthonviet.com.vn