Chế biến nông sản: Cần cơ chế khuyến khích

Chế biến nông sản: Cần cơ chế khuyến khích
Ngành chế biến nông sản được xem là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị của nông sản. Với sự tăng trưởng nhanh của xuất khẩu nông sản, ngành sơ chế, chế biến nông sản ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) nội địa và nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Theo các DN, cơ sở chế biến nông sản, tiềm năng trong ngành này còn rất lớn. Để khai thác tốt, ngành chế biến nông sản rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách, nhất là trong việc phát triển vùng chuyên canh.

* Tiềm năng lớn

Ông Nguyễn Văn Ân, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại xuất nhập khẩu Ân Nga (huyện Xuân Lộc), chuyên thu mua, chế biến tiêu sọ và các loại nông sản, chia sẻ: “Từ một cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, đến nay, trung bình mỗi ngày tại đây chế biến được vài chục tấn tiêu sọ và thu mua cả trăm tấn tiêu đen khi vào vụ thu hoạch”. Chế biến nông sản ngày càng thuận lợi vì tiềm năng thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu rất lớn. Nông dân cũng đã hướng đến đầu tư chuyên canh cây trồng, góp phần hình thành nên những vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành này.

 Theo ông Prakash Jhanwer, Tổng giám đốc khu vực Nam châu Á của Tập đoàn Olam, cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến nông sản sẽ càng khởi sắc khi vấn đề thuế suất nhập khẩu mặt hàng này sẽ giảm dần theo lộ trình cam kết theo WTO.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty ca cao Nguyên Lộc (TX.Long Khánh), một trong những nhà cung cấp nguyên liệu ca cao cho các nhà máy chế biến, trong đó có Tập đoàn Grand - Place của Bỉ với thị trường xuất khẩu trên toàn cầu, cho biết: “DN thu mua trái ca cao tươi về sơ chế ra hạt ca cao đã lên men với giá trị cao hơn để cung cấp cho nhà sản xuất. Hiện mỗi vụ, DN cung cấp trên100 tấn hạt ca cao cho Tập đoàn Grand - Place nhưng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu. Nhiều DN chế biến ca cao trong và ngoài nước đang đẩy mạnh đầu tư với thị trường xuất khẩu mở ra toàn cầu khiến nhu cầu về sản phẩm này không ngừng tăng nhanh”.

Theo ông Prakash Jhanwer, Tổng giám đốc khu vực Nam châu Á của Tập đoàn Olam, tập đoàn nông sản lớn trên thế giới: “Công ty TNHH Olam Việt Nam đã đầu tư hệ thống 10 nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam. Chúng tôi là một trong những DN đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản với các mặt hàng chủ lực, như: hạt điều, tiêu, cà phê... Trong đó, có 2 nhà máy đầu tư tại Đồng Nai trị giá hàng triệu USD, với công nghệ chế biến hiện đại, được khách hàng đánh giá là tốt nhất trên thế giới. Hiện 2 nhà máy này đang hoạt động hết công suất và chúng tôi mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với địa phương trong ngành này”. Theo ông Prakash Jhanwer, cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến nông sản sẽ càng khởi sắc khi vấn đề thuế suất nhập khẩu mặt hàng này sẽ giảm dần theo lộ trình cam kết theo WTO.

* Cần khuyến khích và liên kết

Theo các nhà sản xuất, tuy Việt Nam có nhiều lợi thế trong ngành chế biến nông sản nhưng cũng không ít khó khăn. Đó là giá nông sản biến động thất thường và thiếu sự ổn định về nguồn nguyên liệu cho sản xuất tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong việc thu mua nguyên liệu ngoài thị trường. Ở đây, sản xuất nông nghiệp cần phát triển theo hướng vùng chuyên canh với quy mô lớn để có lợi thế cạnh tranh về giá, nhất là đáp ứng được yêu cầu về đơn hàng lớn. Để giải quyết bài toán này, cần tạo nên mối liên kết vùng miền, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, liên kết từ khâu sản xuất - chế biến - vận chuyển và tiêu thụ.

Ông Lưu Vĩnh Cảnh, cán bộ nông nghiệp của xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), nhận xét: “Với lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, xã tập trung cả chục DN, cơ sở chế biến tiêu sọ. Một ký tiêu sọ có giá trị gấp rưỡi tiêu đen chưa qua sơ chế, chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu nên không chỉ góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản, mà còn tạo việc làm cho lao động nông thôn”. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn của các cơ sở chế biến là nguồn vốn. Chính vì vậy, dù có nhiều cơ hội về thị trường nhưng các cơ sở chế biến vẫn sản xuất với quy mô manh mún, nhỏ lẻ, máy móc, thiết bị lạc hậu.

Ông Nguyễn Văn Lộc (Giám đốc Công ty ca cao Nguyên Lộc) tiếc nuối: “Không ít tập đoàn nước ngoài đến đặt vấn đề với tôi về việc mua ca cao, nhưng họ lại ra đi vì công ty không đáp ứng được về số lượng. Đồng Nai từng có đề án phát triển cây ca cao nhưng chưa có hiệu quả vì thiếu người cầm trịch, đeo bám chương trình một cách quyết liệt, bền bỉ. Hiện không thiếu các tập đoàn nước ngoài sẵn sàng đầu tư vốn, kỹ thuật cho nông dân phát triển vùng chuyên canh cây ca cao. Họ đang chờ vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, hỗ trợ về mặt chính sách”.

 

Nguồn; baodongnai.com.vn