Chỉ dẫn địa lý: 'Giấy thông hành' hữu hiệu

Chỉ dẫn địa lý: 'Giấy thông hành' hữu hiệu
Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được cơ quan chức năng bảo hộ. Do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm, việc xây dựng, đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm hết sức quan trọng.

Lợi ích kép

Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại Liên minh châu Âu (EU), CDĐL đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại EU.

giay thong hanh huu hieu
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp tăng giá trị nông sản

Theo Bộ Công Thương, kể từ khi được EU chấp nhận bảo hộ, sản phẩm nước mắm bán ra tại thị trường này đạt gần 500.000 lít. Không chỉ tăng số lượng, giá bán của sản phẩm cũng tăng từ 30 - 50% tùy từng loại sản phẩm. Nhờ đó, doanh nghiệp (DN) Việt có cơ hội tăng xuất khẩu (XK) sang các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Canada.

Dự báo, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, EU sẽ đồng ý bảo hộ 39 CDĐL của Việt Nam. Theo đó, ngoài nước mắm Phú Quốc, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như cà phê, chè… sẽ có thêm cơ hội gia tăng xuất khẩu.

Theo nhiều chuyên gia, CDĐL không chỉ như "giấy thông hành" hữu hiệu để sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính mà còn là công cụ bảo vệ nhà sản xuất, người tiêu dùng, thị trường, hạn chế tình trạng nhái thương hiệu. Bên cạnh đó, xây dựng CDĐL giúp phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh XK…

Xây dựng cơ sở dữ liệu

Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch "Điều tra, khảo sát đánh giá tình hình xây dựng và quản lý CDĐL để xây dựng giải pháp phát huy, nâng cao giá trị của các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước".

Theo đó, kế hoạch được thực hiện từ tháng 3 - 12/2018 với các hoạt động: Điều tra, đánh giá hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến có CDĐL; thu thập thông tin phục vụ đánh giá nhu cầu, mức độ hiểu biết của các DN, hợp tác xã sản xuất sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến có chất lượng, danh tiếng, tính chất đặc thù và có giá trị kinh tế...; đánh giá tác động của công tác xây dựng và quản lý CDĐL đối với hoạt động sản xuất, XK sản phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý CDĐL của nông sản, thực phẩm chế biến....

Hiện, việc điều tra, khảo sát đang được các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương tiến hành thực hiện. Kết quả của đợt điều tra, khảo sát này sẽ là căn cứ quan trọng để đưa ra các đánh giá về tình hình cải thiện, phát triển sản xuất, XK, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm chế biến và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước khi sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ CDĐL. Đồng thời, đưa ra đề xuất, giải pháp, kiến nghị về xây dựng và quản lý CDĐL nhằm phát huy, nâng cao giá trị của nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống...

Việt Nam là một trong những nước thuộc top đầu thế giới về XK nông sản. Tuy nhiên, mới có gần 60 CDĐL được đăng ký bảo hộ trong nước, 4 CDĐL được đăng ký tại nước ngoài và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Nguyễn Hạnh/congthuong.vn